Bác Hồ là niềm tin của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, là sức mạnh của ý chí kiên cường, là kết tinh của tinh thần đoàn kết, là nơi hội tụ của lòng dân đối với cách mạng.
Vì thế, trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, mơ ước được gặp Bác Hồ là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào Tây Nguyên. Ai đã một lần được gặp Bác Hồ đều kính phục, tin tưởng, ghi khắc mãi mãi trong tim của mình hình ảnh của vị lãnh tụ kính yêu.
![]() |
Tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên" ở Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Mong Bác Hồ, mơ ước được gặp Bác Hồ là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào Tây Nguyên. Bác Hồ là hình ảnh trong sáng nhất trong lòng người Tây Nguyên. Theo lời kể của cụ Y Bih Alêô, một nhân sĩ yêu nước ở Tây Nguyên thì ngày 20/9/1961, đoàn cán bộ của phong trào tự trị Tây Nguyên được cử ra thăm miền Bắc gồm có cụ và 3 anh em dân tộc khác.
Lần đầu gặp Bác Hồ, một vị lãnh đạo tối cao, cụ cảm thấy e ngại rụt rè. Người có vầng trán rộng, mắt sáng, râu tóc bạc phơ, tiếng nói ấm áp, khiến người khác phải kính phục. Nhưng rồi khoảnh khắc ấy trôi qua. Bác Hồ sao mà thân thuộc quá, gần gũi quá. Cụ nhìn mãi đôi dép cao su và bộ đồ ka ki của Bác Hồ. Ôi sao mà Người giản dị quá.
Người nhìn đoàn cán bộ đồng bào Tây Nguyên tình cảm và chợt hỏi cụ Y Bih Alêô: “Này chú, đồng bào Tây Nguyên ta có được mạnh khỏe không, có đủ cơm ăn, áo mặc không?”
Câu hỏi của Bác Hồ sao thân thiết quá, cụ nhìn Bác trong giây lát rồi trả lời Người: “Thưa Bác, đồng bào cũng được mạnh khỏe, nhưng thiếu cơm ăn áo mặc. Đồng bào Tây Nguyên đêm ngày mong được gặp Bác. Đồng bào nhờ tôi chuyển lời thăm Bác”.
Ông Y Bun Knơng (tức Ama Khê) đã kể lại về Người với một tình cảm thật xúc động. Như mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ ai cũng mong được gặp Bác Hồ: “Tháng 9/1949, tôi được cử ra Bắc dự Hội nghị Chính phủ lần thứ nhất. Trời Việt Bắc năm này rét lắm, ai cũng phải mặc đồ rét. Cuộc sống của các đồng chí ở đây ăn uống rất kham khổ. Ở cơ quan lãnh đạo Trung ương mà mọi người đều ăn muối vừng, tôi nghĩ Bác Hồ, Đảng và Chính phủ chịu được thì mình cũng vui vẻ.
Nguyện vọng của đoàn cán bộ miền Nam ra được gặp Bác đã trở thành sự thật. Hôm ấy, mọi người giới thiệu tôi lên phát biểu. Tôi đi suốt ba tháng trời mệt nhọc là vậy mà gặp Bác ở đây cảm thấy như mình khỏe ra.
Sung sướng, mừng quá, tôi chỉ nói được: “Đồng bào Tây Nguyên và Đắk Lắk nói với chúng tôi ra gặp Bác chỉ xin một tấm hình thôi. Cho họ vải, nông cụ họ không mừng bằng có hình Bác đâu”.
Nhìn Bác thật lâu mà mắt tôi không mỏi. Bác lặng im trầm ngâm. Chắc Người suy nghĩ nhiều lắm. Lúc đó anh Lê Dũng tới. Bác nói với tôi: “Ở quê hương chú Ma Khê có cái gì đặc biệt không?" Tôi thưa với Bác: “Ở Tây Nguyên chúng tôi có ba tầng áp bức, đó là đế quốc, phong kiến và chế độ mẫu hệ đấy. Phụ nữ nó không lấy chồng hai nhưng nó làm chủ tài sản, khi nóng nảy nó có thể đuổi chồng… Phụ nữ rất tốt nhưng cũng trở ngại cho chúng tôi!"
Nghe tôi nói vậy ai cũng cười vui vẻ. Bác dặn: “Phải làm công tác phụ vận cho tốt”.
Sau này, tôi sống và làm việc ở Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, tôi đều nhớ rất rõ những lời của Bác dặn phải đoàn kết dân tộc, làm tốt công tác dân vận, mặt trận để tập hợp nhân dân giải phóng đất nước và bảo vệ tốt thành quả cách mạng".
Cụ Y Wang Mlô Duôn Du, một trong hai Đại biểu Quốc hội khóa 1 của Đắk Lắk kể lại kỷ niệm về lần gặp Bác như sau: Đó là tháng 8/1953, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 1 tỉnh Đắk Lắk đi dự cuộc họp lần thứ 3. Trạm liên lạc của Quốc hội đặt tại một làng dân tộc ít người thuộc tỉnh Thái Nguyên. Từ đây phải đi tiếp vào khu tự do của Trung ương nơi họp Quốc hội, chung quanh là rừng cây to và rừng nứa âm u nằm giữa ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.
Nơi đây gần sông, là chỗ ở, hội trường họp và có rất nhiều hầm trú ẩn. Chỗ ở của các đại biểu gần sông nên thuận tiện cho việc tắm giặt. Mùa này đang là mùa rét ở Việt Bắc nên các anh chị em phục vụ cũng nấu nước cho các đại biểu tắm.
Tôi thì sáng ra chạy mấy vòng chung quanh hội trường, sau đó tập thể dục thể thao xong đi ra sông tắm. Cứ thế sáng nào từ lúc 5 giờ là đã thực hiện nhiệm vụ này. Có lần đi gặp Bác Hồ cũng từ phía sông đi lên chuẩn bị đi ăn sáng.
![]() |
Bác Hồ với người dân Tây Nguyên. Tranh sưu tầm |
Bác bất ngờ hỏi “Các đại biểu được phục vụ tắm nước nóng, các cô đã nấu nước nóng, mà chú đã tắm chưa?” Tôi thưa với Bác: “Cháu đã tắm nước sông rồi. Cháu tập thể dục thể thao, chạy bộ và xuống tắm sông, sáng nào cũng vậy”. Bác nói: “Thế là tốt!”. Tôi vô cùng cảm động, ngay cả những việc nhỏ nhất Bác Hồ cũng thực sự quan tâm, tôi luôn tin tưởng rằng, các dân tộc Tây Nguyên dù ở nơi xa xôi càng thấy gần lại với Người hơn. Điều này không chỉ riêng đối với các cán bộ Tây Nguyên, mà cho mỗi người con trong đất nước Việt Nam đang sinh sống và làm việc nơi đây.
Amí Đoan, dân tộc Ja Rai, sinh ra ở buôn Ua, một buôn làng nằm ở phía đông cao nguyên Đắk Lắk, chị là thành viên trong đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kể lại một lần ra thăm Bác: "Ngày 28/2/1969, chúng tôi được vào thăm Bác. Anh chị em trong đoàn ai cũng vui mừng. Vừa xuống xe đã thấy Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ chờ đón ngay trước sân. Bác Hồ ôm hôn thắm thiết từng người trong đoàn.
Bác dịu dàng nhìn tôi và các chị rồi nói: “Các cháu gái không được khóc, phải vui lên chứ. Lại đây kể chuyện đánh Mỹ của đồng bào cho Bác nghe”. Chúng tôi lau nhanh dòng nước mắt. Đoàn chúng tôi quây quần bên Người, vị cha già của dân tộc. Bác thân thiết cho bác sĩ Phùng Văn Cung, trưởng đoàn và tôi ngồi bên Bác và Bác Tôn trên chỗ ngồi trang trọng nhất.
Bác nhìn khắp lượt mọi người trong đoàn. Người vui vẻ nói: “Trong thơ năm nay Bác có viết: "Tiến lên chiến sĩ đồng bào – Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Bác không chắc là câu thơ được thực hiện sớm như vậy. Hôm nay có bác sĩ Phùng Văn Cung và Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm, đồng bào miền Bắc rất vui mừng. Hôm nay Bác hoan nghênh đoàn đại biểu miền Nam ruột thịt, mà dù Bác có nói nghìn câu, mấy vạn câu cũng không hết ý. Rồi Bác đọc hai câu thơ:
Bước đầu muôn dặm một nhà
Bắc Nam sum họp chúng ta vui mừng.
Sau đó Người ngập ngừng rất lâu. Ai ai cũng rưng rưng nước mắt vì thấy Người quá xúc động...
Chính những tình cảm thân thiết, sâu đậm ân tình đó mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đồng bào Tây Nguyên đã được tiếp thêm sức mạnh lớn giành được nhiều thắng lợi, kết thành những vòng hoa chiến thắng dâng lên Người.