Đất và người Đắk Nông

Lòng hiếu thảo với cha mẹ trong đồng bào dân tộc thiểu số

Mẫn Doanh 12/05/2023 11:47

Đồng bào M’nông, Mạ, Tày, Nùng, Thái, Mông... trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có các nghi lễ tạ ơn, mừng thọ, lễ mừng sinh nhật, để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn cho cha mẹ. Vượt lên những lo toan cơm áo thường ngày, những dịp này con cháu trong gia đình tụ họp, quây quần, khắc sâu công ơn người sinh thành, dưỡng dục.

Người M'nông

Các nghi lễ tạ ơn sinh thành, thường tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khi cha mẹ tuổi cao, con cháu M’nông làm lễ tạ ơn và lễ mừng thọ cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục. Lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm sau khi kết thúc mùa rẫy. Khi ông bà, cha mẹ đã già, trong nhà còn có con gái, con trai đỡ đần thì người con nào lập gia đình trước, có nhiều con cái thì sẽ tách hộ ra ở riêng. Trước khi tách hộ phải ăn con trâu, uống vài ché rượu tạ ơn ông bà, cha mẹ. Ăn trâu xong phải có một ché rượu làm vật kỷ niệm báo hiếu tặng gia đình cha mẹ đẻ.

Một nghi lễ quan trọng nữa với ý nghĩa tạ ơn sinh thành của người M’nông là lễ mừng thọ. Một người già được con cháu làm lễ chúc thọ vào khoảng thời gian gần cuối cuộc đời. Nghi lễ thường gắn với việc cúng thần linh. Theo tục lệ, người con, người cháu trực tiếp nuôi cha mẹ, ông bà sẽ đứng ra tổ chức lễ mừng thọ. Lễ vật cúng gồm một con heo hoặc con trâu, bò tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Trong ngày lễ, con cháu dù ở xa hay gần đều có mặt và đóng góp một ché rượu. Họ buộc ché rượu thành một hàng. Mọi người tập trung làm thịt heo hoặc trâu, bò, lấy miếng gan nấu cho ông bà ăn... Nghi lễ biểu hiện những nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cái dành cho đấng sinh thành.

dsc_2804(1).jpg
Đôi vợ chồng người Mạ mời cơm, thịt, rượu và tặng quà cho cha mẹ tỏ lòng tôn kính và biết ơn trong lễ cưới

Người Mạ

Người Mạ làm lễ tạ ơn cha mẹ trước đám cưới và lễ tạ lộc thọ. Gia đình nào có cha mẹ trên 70 tuổi sẽ làm lễ tạ lộc thọ. Trước ngày tổ chức lễ tạ lộc thọ, người chủ trong gia đình đến gặp già làng xin phép và mời già đến làm lễ giúp. Khi được già làng đồng ý, người này huy động con cháu chuẩn bị những lễ vật, gà, lợn, ché rượu cần, gạo nếp loại ngon nhất, rau rừng… để làm món ăn trong ngày cúng. Bà con, họ hàng được báo tin và mời tham dự. Trong lễ, ngoài những món ăn truyền thống sẽ có cây nêu trang trí hình chim, thú công phu… cắm tại sân chính của gia đình. Già làng thực hiện nghi lễ cầu nguyện, cảm ơn thần linh mang lại ấm no hạnh phúc cho gia đình và phù hộ họ sống lâu. Sau đó, già làng trao vòng sức khỏe cho người được tạ lộc thọ, đút nắm cơm nếp thơm, uống rượu cần ngon. Con cháu dâng lễ vật mừng sức khỏe cho cha mẹ, ông bà, thể hiện sự biết ơn công lao của họ. Đồng bào Mạ còn tổ chức lễ tạ lộc thọ hay lễ cúng sức khỏe cho những người lớn tuổi dưới hình thức tập thể chung cho cả bon làng.

Người Thái

Người có tuổi thọ và gia đình đó được xem có phúc lớn. Có phúc nên mới được sống lâu, con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Đồng bào Thái trên địa bàn tỉnh tỏ lòng biết ơn cha mẹ, ông bà trong lễ mừng thọ. Đó là việc làm tự nguyện của cháu con đối với những bậc sinh thành. Tuỳ từng dòng họ, tuỳ từng hoàn cảnh gia đình của mỗi người mà việc mừng thọ được tổ chức lớn hay nhỏ.

img_8003(1).jpg
Đồng bào Thái làm lễ mừng thọ tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành

Người Tày

Dân tộc Tày thường chọn các tuổi lẻ để tổ chức mừng thọ cha mẹ như tuổi 49, 61 hay 73. Theo quan niệm người Tày, những thời điểm này là năm đại hạn nên tổ chức mừng thọ cũng chính là để giải hạn. Điều này cũng tương tự như quan niệm của người Mông khi tổ chức lễ mừng thọ cha mẹ. Lễ không thể thiếu thầy cúng. Họ là những người biết chữ, có kiến thức sâu rộng, được dân làng tín nhiệm nên có thể trình tấu mọi việc với thần linh nhằm giải hạn cho người được mừng thọ. Lễ nhất định phải có nghi thức “chuyển gạo vào kho”. Sau khi cúng lễ, ông bà, cha mẹ mặc áo mới, mang theo tấm vải gấp và được con cháu bón cơm, thức ăn, nước uống với hàm ý chăm sóc, báo hiếu cho người nuôi nấng mình. Ngày này, cha mẹ thường kể lại cho con, cháu nghe về cuộc đời mình, nói về gia phả, khuyên răn con cháu những điều cần làm...

Người Nùng

Trong tập quán của dân tộc Nùng, những người từ 60 tuổi trở lên được xếp vào bậc có tuổi và mới tổ chức mừng sinh nhật. Lễ sinh nhật tổ chức vào ngày sinh của người cao tuổi nhất trong gia đình. Đây là dịp để con cháu tề tựu đông đủ, thể hiện sự kính trọng báo hiếu những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình khôn lớn. Người Nùng quan niệm, sống đến 60 tuổi tức là hết một vòng đời người và muốn sống tiếp vòng đời thứ hai phải làm lễ sinh nhật. Từ tuổi này trở đi, người Nùng thường làm lễ sinh nhật thường xuyên hàng năm. Điều này thể hiện sự báo hiếu, quan tâm chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần để cho người già vui khoẻ, ít bệnh tật. Những cô gái đi lấy chồng sẽ đem lợn quay, bánh trái, rượu, chè... về làm lễ sinh nhật cho bố, mẹ. Cả cuộc đời cha mẹ vất vả nhọc nhằn vì các con. Khi lớn lên, con gái gả chồng nên ít có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bậc sinh thành. Vì vậy, ngoài những ngày tết cổ truyền, sinh nhật là dịp để các con sum vầy, bày tỏ tấm lòng kính trọng, hiếu lễ đối với cha mẹ.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lòng hiếu thảo với cha mẹ trong đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO