Lòng dân miền biên cương
Xác định vai trò, trách nhiệm của mình, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Nông đã có nhiều cách làm hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào khu vực biên giới. Kết quả đạt được là khối đoàn kết quân dân được củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền.
Đồng lòng, chung sức
Đắk Wil là xã biên giới nằm phía Tây Bắc huyện Cư Jút, có đường biên giới dài 20km giáp với Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn xã có Đồn Biên phòng Nậm Na và Đồn Biên phòng Đắk Ken, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đóng quân. Thời gian qua, các đơn vị biên phòng đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, Nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.
Anh Nguyễn Lục Nghĩa, tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn 6, tham gia tổ tự quản từ năm 2008 tới nay. Cùng với 6 thành viên khác, anh Nghĩa đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự. Không chỉ là những buổi phối hợp tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, các thành viên trong tổ tự quản đường biên, cột mốc còn chủ động, tích cực đưa thông tin về chủ quyền, biên giới tới người dân trên địa bàn.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi đã có 16 năm tham gia trong Tổ tự quản đường biên cột mốc của thôn 6. Công việc không có thời gian cố định, nhưng khi nào chính quyền địa phương hoặc BĐBP cần, chúng tôi đều sắp xếp để có mặt, phối hợp làm việc. Trong suốt thời gian qua, các thành viên trong tổ tự quản đều xác định bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người dân sinh sống tại xã biên giới”
Anh Nghĩa là một trong số rất nhiều người dân của tỉnh Đắk Nông đang sinh sống tại khu vực biên giới đã tự nguyện tham gia vào Tổ tự quản đường biên, cột mốc. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 76 tổ/1.076 thành viên đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn, buôn và 21 tập thể, 669 hộ, 242 cá nhân đăng ký tự quản 61,698 km đường biên.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào“Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, toàn tỉnh có 9 tập thể, 662 hộ và 373 cá nhân đăng ký tự quản 28 mốc quốc giới. Mỗi cá nhân trở thành một tuyên truyền viên, kịp thời đấu tranh tố giác tội phạm, chống vượt biên, xâm nhập, vi phạm quy chế biên giới và chống buôn lậu qua biên giới.
Củng cố niềm tin
Trong thời gian qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Những người lính mang quân hàm xanh cũng phát huy tốt tình đoàn kết quân dân, giúp Nhân dân vượt qua khó khăn.
Những chương trình như con nuôi đồn biên phòng, nâng bước em đến trường, bò giống cho người nghèo nơi biên giới… không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ, hỗ trợ với những hoàn cảnh khó khăn, mà thông qua chương trình còn góp phần xây dựng tuyến biên giới vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương.
Anh Y Min Ayul, dân tộc Ê đê, buôn Knha, xã Đắk Wil (Cư Jút) là một trong 3 hộ gia đình được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây căn nhà Đại đoàn kết. Anh Y Min chia sẻ, một căn nhà kiên cố, làm nơi ở cho cả gia đình 4 người là mong mỏi của vợ chồng anh suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, do đất sản xuất ít, thu nhập hàng ngày có được là nhờ đi làm thuê nên đến nay hai vợ chồng vẫn chưa thể hiện thực hóa được ước mơ này.
“Được hỗ trợ tiền xây nhà, tôi rất vui và hạnh phúc. Ngay sau khi nhận được tiền, gia đình đã cùng anh em, họ hàng làm móng để công trình sớm hoàn thành trước mùa mưa. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và BĐBP, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ được sống trong một căn nhà cấp 4 vững chắc và ấm cúng hơn”, anh Y Min xúc động nói.
Cũng là một trong số những hộ dân được hỗ trợ trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống, anh Nguyễn Tất Phúc, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) chia sẻ: “Bản thân tôi rất phấn khởi khi Đồn Biên phòng Đắk Tiên hỗ trợ con tôi thông qua Chương trình "Nâng bước em tới trường", với số tiền 500.000 đồng/tháng. Số tiền không quá lớn nhưng cũng đỡ đần được gia đình ít nhiều, giúp cháu yên tâm học tập tại trường. Đối với người dân vùng biên giới, sự quan tâm, giúp đỡ của BĐBP thật sự rất quý báu và ý nghĩa”.
Không chỉ nâng bước con anh Phúc trong học hành mà những người mang quân hàm xanh Đồn biên phòng Đắk Tiên còn hỗ trợ gia đình kỹ thuật trong việc trồng trọt, chăn nuôi bò. Từ một hộ khó khăn, quanh năm chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, đời sống của gia đình anh Phúc đã cải thiện đáng kể.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh Đắk Nông luôn là “lá chắn thép” nơi “phên dậu” của Tổ quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ này, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân, từ đó phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố được thế trận quốc phòng và giữ vững an ninh, trật tự biên giới.
Tham dự Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023 được tổ chức tại xã Đắk Wil mới đây, đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phấn khởi, vui mừng khi đồng bào các dân tộc xã Đắk Wil nói riêng và bà con Nhân dân trên khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông nói chung đã phối hợp với BĐBP, đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước kết quả đạt được từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đồng chí Điểu Xuân Hùng đề nghị các cơ quan, đơn vị và Nhân dân khu vực biên giới tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào như “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn, bon, bản khu vực biên giới”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ... để các phong trào này thực sự đi vào đời sống của Nhân dân và phát huy hiệu quả tốt nhất trong thực tiễn ở địa phương.