Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/6 xác nhận ông đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cách thức sử dụng lợi nhuận được tạo ra từ các tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây để cung cấp cho Ukraine khoản vay trả trước ngay trong thời điểm hiện tại và đảm bảo nguồn tài chính của Ukraine trong năm 2025.
Tổng số tài sản khoảng 260 tỷ euro (280,9 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa trên toàn thế giới, phần lớn là ở EU. Những khoản tiền này tạo ra lợi nhuận từ 2,5-3,5 tỷ euro mỗi năm.
Quyết định cuối cùng về vấn đề sử dụng lợi nhuận thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra tại vùng Apulia, miền Nam Italy, từ ngày 13-15/6.
Ý tưởng được Mỹ ủng hộ là sử dụng khoản lợi nhuận nêu trên làm nguồn doanh thu ổn định để trả cho khoản vay lớn trị giá 50 tỷ USD có thể huy động được trên thị trường.
Kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga đã gây ra nhiều quan ngại đối với một số quốc gia, song Bộ Tài chính Mỹ ngày 4/6 tuyên bố Washington và các đối tác G7 đang đạt được tiến triển trong vấn đề này.
Nga tuyên bố bất kỳ sự chuyển hướng lợi nhuận nào từ các tài sản bị phong tỏa của Nga đều là “hành vi chiếm đoạt tài sản,” vi phạm mọi quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.
Ngày 26/5, báo chí Nga dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Anton Siluanov tuyên bố Moskva sẽ đáp trả nếu các nước phương Tây “sử dụng bất hợp pháp các tài sản” của Nga.
Hôm 23/5, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh cho phép Nga lấy tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, để bồi thường cho các tài sản của Moskva bị Washington phong tỏa và tịch thu./.