Lời khuyên giúp mẹ bầu chăm sóc thai nhi tốt nhất
Theo các chuyên gia y tế, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, bà mẹ đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng và chăm sóc con sau khi sinh.
Chị Đàm Thị Thu Hà, xã Đắk Som (Đắk Glong) đang mang thai con đầu lòng được gần 4 tháng nhưng người rất gầy, yếu, da dẻ xanh xao. Chị Hà cho biết: Từ khi phát hiện có thai, chị bị nghén nên không ăn uống được nhiều. Bên cạnh đó, với quan niệm cũ, người lớn trong gia đình còn bắt chị kiêng nhiều thứ và phải làm nhiều việc để dễ sinh. Do đó, mặc dù mang thai 4 tháng nhưng không những không tăng cân mà chị Hà còn sụt cân hơn so với trước khi chưa mang thai.
Tương tự, chị Sùng Thị Thao, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) hiện 27 tuổi và là mẹ 3 con. Chị Thao sinh non bé thứ 3 nên bé chỉ nặng 2,3 kg.
Theo chị Thao, khi đi siêu âm, bác sĩ cảnh báo trước về chỉ số cân nặng của bé chưa đạt ở mức bình thường nhưng vì dị ứng mùi thức ăn trong thời gian mang thai nên chị bị thiếu chất dinh dưỡng trong khi mang thai. Đây cũng có thể là lý do khiến bé bị sinh non, nhẹ cân.
Theo bác sĩ H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chế độ dinh dưỡng của các bà mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố quyết định đến cân nặng của trẻ khi đẻ. Bởi các chất dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu, qua nhau thai để đến nuôi dưỡng thai nhi.
Do vậy, nếu người mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt. Tuy nhiên, nếu người mẹ mang thai thiếu ăn, không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và để lại biến chứng cho sản phụ, tăng nguy cơ đẻ non. Trẻ sinh ra nhẹ cân, bị dị tật bẩm sinh, tổn thương não và chậm phát triển… thậm chí là tử vong.
Trong quá trình mang thai, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng theo từng giai đoạn của thai kỳ, đặc biệt là thời kỳ 3 tháng cuối, các bà mẹ có thai cần có thức ăn bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau xanh có màu xanh đậm; ăn đủ chất đạm động vật, các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc và có điều kiện nên có thêm thịt, trứng, sữa.
Trước khi mang thai, các mẹ cần chuẩn bị bảo đảm dinh dưỡng để bảo đảm máu của người mẹ có đầy đủ các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất khác đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bào thai. Giai đoạn đầu của thai kỳ, thai phụ thường bị nghén không ăn uống được, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng vì thế nguồn dự trữ trước khi mang thai là rất quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, đủ sức để vượt cạn, mau hồi phục sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.
Bác sĩ H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Ngoài ra, các mẹ mang thai cần bổ sung các chất khoáng, canxi, sắt, axit folic, vitamin C để làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C và axit folic có nhiều trong các quả chín, rau xanh.
"Giai đoạn đầu thai kỳ có đến 50 - 70% phụ nữ có biểu hiện nghén, nôn, vì vậy cần thay đổi cách chế biến để dễ ăn hơn, chọn những món ăn nhẹ, dễ tiêu, tránh xào nấu, chiên rán hoặc thức ăn có mùi gây khó chịu. Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, không nên ăn quá no, không cần ăn đúng bữa mà hãy ăn những thức ăn phù hợp khi có nhu cầu…", bác sĩ H’Vinh Niê thông tin thêm.