Nghị quyết và cuộc sống

Lời khẳng định mạnh mẽ của bô xít Tây Nguyên

Bình Minh 10/03/2023 10:31

Hiệu quả kinh tế cao của hai dự án bô xít ở khu vực Tây Nguyên gồm Tổ hợp dự án bô xít-nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) là lời khẳng định mạnh mẽ đối với chủ trương đúng đắn Bộ Chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ.

z4167788087847_1ffe7731b80273b08e51f4831c085d22(1).jpg
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thăm Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Đập tan mọi ý kiến cực đoan, luận điệu xấu

Trước khi triển khai và trong quá trình thực hiện thí điểm dự án bô xít Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông có rất nhiều ý kiến cực đoan và luận điệu xấu. Nhiều ý kiến mang tính cực đoan khi cho rằng, việc thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên không hiệu quả về kinh tế, không làm chủ được công nghệ, tàn phá môi trường, sinh thái, phá vỡ không gian văn hóa bản địa Tây nguyên…

Thế nhưng, những cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội khẳng định, việc tiến hành khai thác bô xít Tây Nguyên của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Những vấn đề bất lợi không nên khai thác bô xít ở Tây Nguyên mà một số người nêu ra, có những vấn đề vô lí, ngụy biện và cũng có những vấn đề là hạn chế, khó khăn thực sự nhưng không phải là điều bất khả kháng mà qua thực tế triển khai dự án, chúng ta đã hoàn toàn khắc phục được. Chẳng hạn, một số người cảnh báo gay gắt về nguy cơ đối với môi trường tự nhiên nhưng với việc làm chủ công nghệ, chúng ta đã hoàn toàn xử lí tối đa ảnh hưởng tiêu cực của nó. Vấn đề hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa qua hiệu quả hoạt động của hai dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bô xít thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm, là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông đã chứng minh tất cả và đập tan mọi thành kiến, luận điệu xấu.

dji_0063.00_04_34_05.still067-1-.jpg
Vận chuyển alumin đưa đi xuất khẩu tại Nhà máy Alummin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp Đắk Nông.

Quyết tâm của Đảng, Nhà nước

Ngày 24/4/2009, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo số 245/TB-TƯ về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025 và triển khai một số dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin – nhôm tại khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 650/TT-KTN giao cho các bộ, ngành và các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trên cơ sở cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, trong đó tập trung cho việc bảo vệ môi trường, tính hiệu quả kinh tế và sử dụng lao động trong nước. Kết luận của Bộ Chính trị và quyết tâm của Chính phủ thực sự là một luồng gió mới động viên đồng bào các dân tộc Đắk Nông và Tây Nguyên khai thác tài nguyên thiên nhiên làm giàu cho đất nước, quê hương và cuộc sống của người dân địa phương.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, hai dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bô xít thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm, là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010.

Ngay những năm đầu triển khai, hai dự án này đã có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bô xít ở Tây Nguyên, cộng thêm việc giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp khiến 2 dự án đã có lúc tưởng như không thể tiếp tục triển khai. Từ đó càng làm cho những thành kiến, luận điệu xấu về môi trường, công nghệ và xây dựng thị trường thêm cực đoan.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị với tầm nhìn xa, và cùng với đó là sự quyết đoán từ lãnh đạo Chính phủ, nỗ lực của cán bộ công nhân viên Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dần vực dậy và ổn định sản xuất hai nhà máy với những tấn quặng xuất khẩu đầu tiên vào năm 2013. Và đến năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả hai dự án thí điểm này cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện xong đề án thăm dò quặng bô xít. Cả hai dự án cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp 3 lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng yêu cầu. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng các nhà máy điện đảm bảo cung cấp điện cho 2 nhà máy. Qua hai dự án này, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm ở Việt Nam

Một vấn đề quan trọng nữa là việc bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên và an ninh quốc gia, an toàn quốc phòng được bảo đảm. Thu nhập của người dân địa phương tăng cao.

Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá, qua hơn 15 năm thực hiện thí điểm hai dự án khai thác và chế biến bô xít Tân Rai và Nhân Cơ đã cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả tổng thể cả về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển Tây Nguyên.

Và hiệu quả kinh tế cao của bô xít Tây Nguyên

Sau hơn 15 năm triển khai đầu tư hai dự án bô xít ở khu vực Tây Nguyên gồm Tổ hợp dự án bô xít -nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), công suất mỗi dự án 650 ngàn tấn alumin/năm, đến nay có thể khẳng định, cả hai dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

thy_5019(1).jpg
Đóng gói sản phẩm alumin tại Nhà máy Alummin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp Đắk Nông.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác chế biến quặng bô xít để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm. Dự án có quy mô lớn, tác động đến việc thúc đẩy kinh tế-xã hội cho địa phương, khu vực và ở cả quy mô quốc gia. Nhà máy hoạt động trên tổng diện tích đất 850ha. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, diện tích khu vực khai thác của mỏ bô xít Nhân Cơ là 3.074 ha, trữ lượng địa chất dự tính là 54,8 triệu tấn quặng tinh bô xít; trữ lượng khai thác là 42,5 triệu tấn quặng tinh bô xít.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng sản phẩm tiêu thụ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt trên 765.000 tấn, vượt 15% so với kế hoạch. Doanh thu giao khoán đạt trên 3.759 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy thu về lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Đơn vị đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng. Điều đáng nói là công suất thiết kế của Nhà máy Alumin Nhân Cơ là 650.000 tấn/năm nhưng đơn vị đã từng bước tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả và hiện đã nâng công suất lên 765.000 tấn/năm, tức là tăng thêm hơn 15% so với công suất thiết kế. Về kế hoạch sản xuất 2023, Nhà máy Alumin Nhân Cơ phấn đấu đạt 740.000 tấn. Doanh thu giao khoán trên 4.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng…

Tương tự, Nhà máy alumin của Công ty Nhôm Lâm Đồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Điểm nhấn của nhà máy alumin của Công ty Nhôm Lâm Đồng trong những năm qua là việc thay đổi, cải tiến các trang thiết bị trong hệ thống công nghệ. Các thiết bị của nhà máy những năm qua dần thay đổi sang thiết bị của các nước G7. Các công nghệ thiết bị này đảm bảo cho hoạt động nhà máy có chất lượng tốt hơn và công suất cao hơn. Việc sản lượng của nhà máy alumin tăng tưởng từ 10% đế 15% là minh chứng quan trong cho việc các trang thiết bị được thay thế, hiện đại hóa giúp hoạt động sản xuất ổn định.

Cùng với chủ trương đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia đến năm 2030 thì những hiệu quả kinh tế cao vượt mong đợi của hai dự án bô xít Tân Rai (Lâm Đồng) và bô xít Nhân Cơ (Đắk Nông) sẽ tạo đà lớn cho bô xít Tây Nguyên trong thời gian tới.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lời khẳng định mạnh mẽ của bô xít Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO