---- Kinh tế

Lợi ích kép từ tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp 

Thanh Hà 04/05/2023 05:00

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn Đắk Nông đã chú trọng tái chế, sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp bà con giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Gia đình ông Phạm Quốc Thành, ở thị trấn Đức An (Đắk Song) làm nấm đã nhiều năm nay. Trên khu đất 700m2, ông tập trung sản xuất các loại nấm như: bào ngư, mối đen…

Mỗi năm, gia đình ông Thành sản xuất khoảng 200.000 giá thể nấm. Sản lượng bình quân hằng ngày đạt 200kg nấm các loại. Nấm được các thương lái đặt mua tất cả để bán cho các chợ khu vực lân cận.

Thấy giá thể nấm hết chu kỳ sinh trưởng không làm gì, ông Thành đầu tư máy móc để tái chế. Mỗi giá thể này nặng từ 1,2 - 1,5kg, được máy móc đánh tơi ra rồi sàng lọc để phân loại. Túi nilon được tách riêng để bán còn mùn trong giá thể được làm phân.

anh-1-nam(1).jpg
Trang trại nuôi trồng nấm của gia đình ông Thành (ở Đắk Song)

Ông Thành thường dùng Trichoderma để ủ cho mùn lên men. Đủ thời gian, những phụ phẩm trong giá thể nấm sẽ trở thành phân vi sinh. Ông Thành dùng để bón cho rẫy và bán cho người dân xung quanh với giá khoảng 5.500 đồng/kg.

“Tận dụng được các phụ phẩm này thì mình sẽ tăng được thêm thu nhập. Các phụ phẩm này trở thành phân vi sinh, bón cho cây trồng cũng giúp cải tạo đất, giảm thiểu các chi phí đầu tư”, ông Thành cho biết.

Việc tận dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông thời gian qua đã được nhiều người dân triển khai. Nhiều phụ phẩm nông nghiệp đã được tận dụng làm thức ăn, làm phân bón, vật tư sản xuất…

Theo ông Đỗ Văn Hiến, ở xã Cư K’nia (Cư Jút), gia đình ông trước đây chỉ trồng bắp ngọt thuần để lấy bắp. Nhưng sau đó, ông đã tận dụng gần như triệt để vườn bắp để tái sản xuất lại.

“Thu hoạch xong bắp thì mình cắt thân cây làm thức ăn cho bò. Phần thân dưới cứng hơn thì mình cắt, ủ với phân bò. Phân bón cho cây không hết thì mình bán ra thị trường”, ông Hiến tâm sự.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Đắk Nông khoảng hơn 366.000 ha, chiếm 56% diện tích đất tự nhiên. Nông nghiệp chiếm 40% tỷ trọng kinh tế của tỉnh. Lĩnh vực này được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Đắk Nông.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, phụ phẩm nông nghiệp nếu không xử lý tốt sẽ trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Nhưng ngược lại, nếu xử lý đúng kỹ thuật sẽ thành phân bón và các chế phẩm sinh học tốt cho cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện lượng phế phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hàng năm đạt khoảng 950.000 tấn. Các phế phẩm chủ yếu như rơm, rạ, thân cây bắp, vỏ cà phê, vỏ hạt tiêu, hoa quả phế thải...

Đây đều là nguồn nguyên liệu lớn để tái tạo, sản xuất thành phân bón hữu cơ có chất lượng phục vụ chăm sóc cây trồng. Tận dụng nguồn nguyên liệu này cũng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân để đẩy mạnh việc tái chế các phụ phẩm nông nghiệp giúp tái đầu tư sản xuất hiệu quả.

"Chúng tôi xem đây như một giải pháp hết sức quan trọng để giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện môi trường”, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lợi ích kép từ tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO