---- Kinh tế

Lợi ích kép từ nông nghiệp xanh

Mẫn Doanh 29/07/2023 06:37

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn là những mục tiêu chiến lược của Đắk Nông trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030. 

Nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch.

Nông nghiệp hữu cơ – hướng đi bền vững

Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Trong trồng trọt, việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tránh và loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng… Nông dân thay đổi tập quán canh tác, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, sinh học góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Sản xuất NNHC là xu thế tất yếu và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Đề án phát triển NNHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt là bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp.

Theo đề án, mục tiêu phát triển NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm NNHC đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn NNHC của khu vực và thế giới. Từng bước hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm NNHC, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng quy mô diện tích, tăng sản lượng, chất lượng của sản phẩm NNHC; hình thành vùng nguyên liệu ổn định,...

img_9186(1).jpg
Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức tốt hơn về NNHC

Theo Kế hoạch số 585/KH-UBND, ngày 14/10/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông, thực hiện Đề án phát triển NNHC đến năm 2025, các địa phương xác định loại sản phẩm và các khu vực phù hợp canh tác, sản xuất NNHC; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để duy trì và mở rộng sản xuất NNHC, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 1-2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có trên 200 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương, với tổng diện tích gần 29.000 ha. Cụ thể, diện tích chứng nhận VietGAP trên 2.500; diện tích chứng nhận hữu cơ trên 700 ha; diện tích chứng nhận các tiêu chuẩn khác (4C, UTZ, Rainforest Alliance...) trên 25.000; diện tích chứng nhận GlobalGAP trên 10 ha. Các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, lúa, rau và cây ăn trái.

Đơn cử tại huyện Đắk Song có gần 14.000 ha hồ tiêu, diện tích kinh doanh gần 13.000 ha, sản lượng đạt gần 33.000 tấn. Trong đó có trên 2.300 ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại như: VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam... Địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững nhằm phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu kết hợp cảnh quan quy mô lớn theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu, Mỹ. Các hoạt động tập trung tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân. Các doanh nghiệp có vai trò hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp, góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Chương trình phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, bền vững, gắn cam kết toàn cầu với ưu tiên của địa phương trong thực hiện chiến lược sản xuất, tái sinh làm cho chất đất hồi sinh, cây hồ tiêu phát triển.

Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Không chỉ các mô hình trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, mắc ca… đang tìm hướng sản xuất bền vững từ NNHC mà nhiều mô hình sản xuất hữu cơ cây ăn trái, rau củ quả… trên địa bàn tỉnh đáp ứng xu hướng thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến nay HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) khẳng định được uy tín, chất lượng và vị thế trên thị trường. HTX khai thác một cách bền vững, thành công nguồn tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất đá núi lửa Nâm Kar tiềm năng. Với diện tích hơn 30 ha đất, HTX không chỉ trồng rau màu mà còn có những vườn cây ăn quả như cam sành, quýt đường, vú sữa, bơ…

Quá trình canh tác, HTX hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc điều chế từ tỏi, gừng, ớt, sả, quế, đương quy… để chăm sóc cây trồng. Canh tác theo hướng thuận tự nhiên, HTX trồng loại cỏ đậu, hạn chế cỏ dại, giúp các loài sinh vật trong đất phát triển và làm cho đất thêm tơi xốp, bảo vệ môi trường. Cỏ được cắt xuống tạo nguồn phân sạch, tạo điều kiện cho thảm thực vật phát triển. Nguồn nước từ giếng khoan được bơm và lọc sạch trước khi tưới cho cây theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhằm tạo độ ngọt cho các loại trái, HTX sử dụng đu đủ và chuối ủ lên men bón cho cây. Sự tác động của phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc thảo mộc vào cây trồng tương đối chậm nhưng bù lại chất lượng nông sản luôn được bảo đảm an toàn, môi trường cũng hạn chế bị ô nhiễm, đất dần lấy lại được chất dinh dưỡng.

chi-nguyen-thi-mai-giam-doc-htx-san-xuat-nong-lam-nghiep-huu-co-quang-phu-krong-no-.jpg

Nắm chắc quy trình sản xuất, HTX cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, đạt chứng nhận hữu cơ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Giá các loại nông sản hữu cơ của HTX cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường, giúp các thành viên HTX nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm của HTX có mặt tại 40 siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)… bao tiêu với mức giá ổn định.

Vườn dâu tây và rau củ hữu cơ của chị Bùi Thị Khánh Hòa, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) ngày càng được nhiều người tìm đến và tin dùng. Trải nghiệm, khám phá và thưởng thức những trái dâu sạch được trồng theo hướng hữu cơ, đây được xem là một trong nhưng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch tương đối thành công trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa. Vườn dâu trồng trên 2000m2 nhà kính, với 3 giống dâu chủ lực gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Bạch Tuyết. Cùng với những loại rau, củ quả khác, những luống dâu xanh với quả đỏ mọng trải dài trong không gian thoáng đãng, mát mẻ vừa là địa điểm cho khách tham quan, du lịch, vừa mang lại thu nhập cao cho người vun trồng.

img_9083(1).jpg
Người dân và du khách tin tưởng, chọn lựa sản phẩm của các vườn sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ

“Mình luôn muốn đưa sản phẩm sạch, tốt nhất đến người dân Đắk Nông nói riêng và thị trường nói chung nên khi bắt đầu xây dựng mô hình thì mình xác định làm theo tiêu chuẩn Global Gap. Từ đó, khách có thể đến tham quan, check in và tự tay trải nghiệm cảm giác hái, thưởng thức những quả dâu sạch chín mọng, tươi ngon. Sản phẩm dâu của trang trại hiện tại chưa đủ đáp ứng thị trường. Các sản phẩm dâu đều nhận được phản hồi tích cực của các gia đình, đặc biệt là những người mẹ có con nhỏ. Những dịp lễ như tết vừa qua, trang trại đón từ 100 – 150 lượt khách đến tham quan và mua rau, quả”, chị Hòa chia sẻ.

Giai đoạn 2022 – 2025, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu diện tích có nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 3.310 ha với khoảng 0,5% - 1% tổng diện tích đất trồng trọt, ở các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ số hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong công tác chăm sóc và phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng có nguồn gốc sinh học đạt trên 30%; tăng tỷ lệ các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ đưa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 15% trong tổng số sản phẩm phân bón; hướng dẫn biện pháp phòng chống sinh vật gây hại phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 90% sản phẩm hữu cơ được chứng nhận, tiêu thụ theo hệ thống và truy xuất được nguồn gốc. Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Mỗi huyện/thành phố có ít nhất từ 1-2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lợi ích kép từ nông nghiệp xanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO