Kinh tế

Lợi ích của vùng nguyên liệu tập trung

Nguyễn Văn Tâm 28/12/2023 06:30

Sản xuất theo vùng nguyên liệu tập trung giúp đồng bộ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

dsc_1842(1).jpg
Nhiều hộ dân tại TP. Gia Nghĩa sản xuất sầu riêng theo vùng nguyên tập trung

Năm 2022, từ Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên, ngành Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 20 ha. Dự án do 20 hộ nông dân tham gia tại xã Đắk Wer và Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp.

Sau hai năm triển khai, các vườn sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình đạt hơn 12 tấn/ha, với giá bán 65.000 đồng/kg; lợi nhuận gần 680 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường hơn 15%. Sản phẩm sầu riêng của bà con được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận VietGAP.

Ngoài ra, Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Thiên Phú, xã Nhân Cơ (nằm trong mô hình), được dự án hỗ trợ hoàn thành hồ sơ mã vùng trồng xuất khẩu VN-DNOOR-0026. Nhờ đó, khi bán sầu riêng, nông dân trong THT được cộng giá thưởng hơn 1.000 đồng/kg so với ngoài mô hình.

Dự án đã ký hợp đồng liên kết với đơn vị thu mua sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo niềm tin trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp.

Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ người dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil) xây dựng vùng sản xuất xoài VietGAP. Vùng sản xuất này có 196 hộ tham gia, với 283 ha.

Việc xây dựng vùng xoài chuyên canh tập trung giúp người dân hướng đến hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vùng chuyên canh xoài còn giúp người trồng nhận thấy được những bất cập trong sản xuất. Từ đó, các cấp, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

img-5056-1-.jpg
Do không đồng đều về chất lượng, không cung ứng quanh năm nên sản phẩm xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng vùng sản xuất tập trung giúp thuận lợi trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vùng sản xuất cũng sẽ từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền nông nghiệp tốt, khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ nông sản tại một số vùng sản xuất tập trung vẫn chủ yếu thông qua hệ thống thương lái. Doanh nghiệp trực tiếp liên kết và thu mua của nông hộ chưa nhiều. Do đó, việc xây dựng vùng sản xuất còn thiếu bền vững.

Ông Phan Viết Cường, thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, cho hay: “Dù xây dựng vùng sản xuất tập trung, nhưng các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ vẫn dễ bị bẻ gãy khi giá sản phẩm lên cao. Điều này dễ gây mất ổn định, mất niềm tin, thiếu bền vững”.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh phát triển các vùng sản xuất tập trung phù hợp.

Từ đó, xây dựng, định hướng, xác định vùng có khả năng phát triển cây trồng theo hướng hàng hoá, vùng tập trung. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, làm theo phong trào…

img_6618-1-.jpg
Nông dân tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), thu hái cà phê vụ mùa 2023

Tỉnh Đắk Nông xác định được 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cà phê (141.000 ha), hồ tiêu (34.000 ha), cao su (gần 23.000 ha), điều (gần 17.000 ha). Tỉnh hình thành 19 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đắk Nông đang phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm này.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lợi ích của vùng nguyên liệu tập trung
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO