Lợi dụng hoạt động tâm linh, vi phạm pháp luật ở Đắk R'lấp
Nhóm người ở thôn 4, xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp, Đắk Nông đã lợi dụng hoạt động tâm linh, vi phạm pháp luật. Hoạt động này cần nhanh chóng chấm dứt để bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Truyền bá những luận điệu mang tính chất mê tín
Vào tháng 11/2021, trong lúc dịch Covid - 19 bùng phát, chính quyền địa phương phát hiện nhóm người tụ tập, cá biệt, có một số trường hợp cư trú bất hợp pháp tại thôn 4 xã Đắk Sin. Nhóm này lợi dụng tôn giáo để sinh hoạt, truyền bá tư tưởng, đức tin trái pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, họ ngăn cấm không cho con trẻ đến trường, bất chấp quy định bắt buộc về giáo dục. Họ sinh sống tập trung, khép kín, tự cung, tự cấp lương thực, xây dựng hàng rào, cửa cổng liền kề, thường xuyên đóng kín cửa phía trước nhà nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Đằng sau sự ngụy trang đó, theo lời kể của những người trong thôn, ông N.V.H cùng bà P.T.H, bà M.T.S bằng nhiều cách thức khác nhau đã truyền bá những luận điệu mang tính chất mê tín, gieo rắc nỗi sợ “tận thế” nhằm khống chế tinh thần những người trong nhóm.
Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid- 19, những người bị lôi kéo lại được cảnh báo rằng nếu tiêm vắc xin Covid -19, linh hồn họ sẽ bị đánh cắp và không được lên thiên đàng. Từ đó, họ bị dụ dỗ tập trung về khu vực thôn 4, xã Đắk Sin để cầu nguyện, nơi được họ gọi là “Đất Đức Mẹ che chở”. Bất kỳ ai không đến thôn 4 để cầu nguyện, đọc kinh mân côi sẽ bị đọa đày, đời đời sống trong hỏa ngục. Không dừng lại ở đó, nhóm này còn lan truyền những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật về Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Điều đáng nói là nhóm hoạt động ngay gần Giáo họ Nhân Hòa, nơi đa số người dân địa phương tham gia sinh hoạt tôn giáo. Nhưng họ từ chối đến nhà thờ, tự lập ra các buổi rao giảng và nghi thức sai lệch để truyền bá tư tưởng lệch lạc.
Sự thật về người đứng đầu
Ông N.V.H, người cầm đầu nhóm, từng là linh mục thuộc Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Tuy nhiên, năm 2020, ông bị trục xuất khỏi dòng và áp dụng vạ huyền chức treo chén nên không đủ tư cách để thực hiện chức năng của linh mục. Không còn tư cách, ông H lén lút hoạt động tôn giáo.
Một chức sắc tại huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Hiện nay, ông N.V.H không còn là linh mục nữa. Giáo hội đã áp dụng hình thức kỷ luật, cắt lễ và treo chén. Ông không còn thuộc về giáo hội hay nhà dòng. Tuy nhiên, ông N.V.H vẫn âm thầm hoạt động trên địa bàn này".
Ông N.V.H đã liên kết với bà P.T.H, sinh năm 1986, quê quán tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cùng nhau, họ tổ chức các buổi lễ trừ quỷ. Ông N.V.H sử dụng nước thánh để ban phép trừ quỷ.
Có thời điểm, nhóm này đã lôi kéo 121 nhân khẩu, thuộc 22 hộ dân tại thôn 4, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp cùng một số hộ dân từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, và Nam Định tham gia. Đặc biệt, đa phần những người tham gia đều là thân nhân, anh em trong gia đình của bà H, bà S.
Những cảnh báo từ giáo hội và chính quyền
Linh mục Nguyễn Văn Khánh, Quản hạt Giáo hạt Gia Nghĩa, Đắk Nông, cho biết, đây là nhóm hoạt động trái với chủ trương của Giáo hội, sai lệch và rất nguy hiểm, vì có thể dẫn dắt tín đồ đến mất ơn cứu độ.
“Thông tin tôi nhận được cho biết nhóm này còn tuyên truyền để lôi kéo người khác tham gia, càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Về mặt giáo lý, Giáo hội đã chỉ rõ rằng lạc giáo có thể bị ngăn chặn bằng cách lắng nghe thẩm quyền giáo huấn chính thức của Giáo hội, tức là huấn quyền, được thiết lập bởi Đức Giáo hoàng và các giám mục khi các ngài kết hợp với Đức Giáo hoàng hoặc khi giảng dạy các giáo huấn vững chắc trong kho tàng đức tin. Giáo hội đã có những thông báo về nhóm này, và các vị chủ chăn ở nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng cảnh báo. Ai cũng hiểu rằng những chủ trương này là sai lệch và rất nguy hiểm đối với đức tin", Linh mục Nguyễn Văn Khánh thông tin.
Theo Linh mục Nguyễn Văn Khánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thông cáo về phong trào này vào ngày 14/4/2015. Thông cáo được ký bởi hai vị Giám mục: Đức Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc (đã qua đời, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Giám mục) và Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng (hiện nay là Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nguyên là Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin).
Nội dung thông cáo vắn tắt như sau: Tác giả các sứ điệp là ẩn danh, không rõ tư cách đạo đức của người tự nhận là có mặc khải. Nội dung của các sứ điệp này có nhiều điều không phù hợp với giáo lý Công giáo, đặc biệt là thuyết ngàn năm, một lạc thuyết đã bị Giáo hội lên án. Các sứ điệp này ủng hộ Đức Giáo hoàng Benedict XVI, nhưng lại phủ nhận và xúc phạm Đức Giáo hoàng Phanxicô, là Đức Giáo hoàng đương nhiệm. Hơn nữa, chúng lẫn lộn giữa sự thật và sai lầm trong cách giải thích mầu nhiệm Đức Kitô, huấn quyền, bí tích và luân lý. Về tác động, các sứ điệp không mang lại bình an cho tâm hồn, mà ngược lại, gieo rắc sự sợ hãi và hoang mang cho nhiều tín hữu. Vì vậy, Hội đồng Giám mục khuyến cáo các tín hữu Công giáo không nên đọc, phổ biến và rao giảng các sứ điệp này.
Với những nhận định trên, nhóm người theo phong trào “Sứ điệp từ trời” do ông N.V.H đứng đầu tại thôn 4, xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp đã vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và không tuân thủ các chỉ dẫn trong thông cáo của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Hoạt động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp, chính quyền địa phương, các ban ngành, và giáo hội đã nhiều lần vận động, khuyên nhủ nhưng ông H cùng các đồng sự vẫn không dừng lại. Linh mục và giáo dân ở khu vực cũng bày tỏ sự lo ngại trước ảnh hưởng tiêu cực của nhóm này đối với đời sống tôn giáo địa phương.
Những hành động và tư tưởng của nhóm không chỉ vi phạm quy định của giáo hội, vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội tại địa phương. Chính quyền khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không để bị lôi kéo và báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu tuyên truyền, lôi kéo người tham gia cũng như các hoạt động tôn giáo trái phép.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Võ Thị Kiều Linh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền huyện Đắk R’lấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Từ đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo sinh hoạt, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, tích cực tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng huyện Đắk R’lấp ngày càng phát triển và văn minh.
Bà Linh cho biết thêm, pháp luật đã quy định, việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo phải bảo đảm về điều kiện, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 95/2023/NĐ-CP Ngày 29/12/2023 của Chính phủ.
Hiện nay, huyện có 28 cơ sở thờ tự của 3 tôn giáo, trong đó Phật giáo có 8 chùa và 2 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; Công giáo có 3 giáo xứ, 3 giáo họ và 4 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; Tin lành có 1 chi hội và 7 điểm sinh hoạt tập trung. Các cơ sở vật chất của tôn giáo này đều bảo đảm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, biểu dương những tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống - làm việc - thực hành theo đúng các phương châm: “Đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Tốt đời, đẹp đạo”; đồng hành, đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, giai cấp để giúp cộng đồng vượt qua khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu.
Tuy nhiên, mọi hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân đều bị xử lý theo nghiêm minh theo quy định của pháp luật...