Giáo dục - Đào tạo

Lối đi nào cho các trường nghề ở Đắk Nông

Nhóm PV 05/04/2024 13:43

Làm thế nào để các trung tâm dạy nghề phát huy hiệu quả, tránh tình trạng thiếu người học, trang thiết bị “trùm mền”, đây là nỗi trăn trở, bài toán khó đang cần lời giải ở Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Nơi đóng cửa, nơi hoạt động cầm chừng

Được xây dựng trên diện tích gần 2ha với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng, nhiều năm nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông luôn ở trong tình trạng không mở lớp, không người học, không giáo viên. Cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều phòng ốc hư hỏng nghiêm trọng. Khuôn viên trung tâm cỏ mọc um tùm.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết, sau một thời gian dài không hoạt động, cơ sở này đã được bàn giao lại cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam từ năm 2019.

Được biết, năm 2011, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông chính thức khánh thành đi vào hoạt động, phục vụ việc dạy nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, thực tế từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm chỉ mới dạy được một vài lớp cho số ít phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

hinh-1(1).jpg
Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông luôn ở trong tình trạng không mở lớp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang trung tâm tiền tỷ là nhu cầu của người học. Đa số học viên muốn học nghề nông nghiệp, còn các ngành phi nông nghiệp ít có nhu cầu. Trong khi đó, trung tâm chỉ được cấp giấy phép hoạt động dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng với 4 nghề phi nông nghiệp.

Trái ngược với tình trạng “xây xong rồi bỏ trống”, một số địa phương lại thiếu cơ sở vật chất để hoạt động. Trong số này phải kể đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đắk Glong.

ban-sao-hinh-1(1).jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong mượn phòng tin học của một trường THCS để tổ chức lớp sơ cấp nghề tin học văn phòng vào mỗi buổi tối.

Được thành lập từ năm 2016 trên cơ sở là Trung tâm Dạy nghề của huyện, hơn 8 năm qua, trung tâm vẫn đang phải “mượn” nơi làm việc để hoạt động. Không có phòng học, cơ sở vật chất hạn chế nên công tác đào tạo nghề chỉ dừng lại ở trình độ sơ cấp với đối tượng chính là lao động nông thôn. Đối với chức năng GDTX, hầu như đơn vị không tuyển sinh. Điều này có thể được coi là “nghịch lý”, bởi 3 năm trở lại đây, huyện Đắk Glong đều xảy ra tình trạng nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn loay hoay tìm trường.

“Năm 2016, trung tâm được thành lập và có thêm chức năng là GDTX. Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, cơ sở đã thiếu giáo viên cơ hữu nên đến giờ chưa thực hiện được chức năng dạy văn hóa. Trung tâm đã tham mưu xin tuyển dụng giáo viên nhưng không có nguồn để tuyển dụng. Sau 8 năm, chúng tôi chỉ tuyển sinh được một khóa để dạy văn hóa. Hiện các cháu đang theo học tại một đơn vị liên kết”, lãnh đạo của trung tâm lý giải nghịch lý.

Sớm được tiếp cận nguồn vốn

Không được đầu tư cơ sở vật chất, không được bổ sung biên chế giáo viên dạy nghề, đó là tình trạng chung của các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Để hoàn thành nhiệm vụ, các trung tâm phải tìm cách “tự cứu mình”. Trong đó, những đơn vị phải chủ động liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh; mở các lớp trung cấp đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil cho biết, năm 2023, đơn vị mở được 16 lớp sơ cấp nghề và nghề ngắn hạn cho học viên trên địa bàn huyện. Nhu cầu học nghề rất cao, tuy nhiên vì thiếu cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giáo viên nên công tác đào tạo nghề chưa đạt được như kỳ vọng.

hinh-3.jpg
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil thường xuyên phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam để tổ chức các lớp trung cấp. (Trong ảnh: Học viên tham gia Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam).

Riêng đối với đào tạo trung cấp nghề, do trung tâm không có giáo viên cơ hữu, không hợp đồng được giáo viên thỉnh giảng nên chỉ có thể cho mượn cơ sở vật chất để đơn vị khác về tổ chức giảng dạy. “Hàng năm, chúng tôi đều hợp đồng với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam (Đắk Nông) hoặc Trung cấp Trường Sơn (tỉnh Đắk Lắk) để đào tạo nghề trung cấp. Trung tâm rất muốn có thể tự mình đứng ra tổ chức được các lớp trung cấp. Muốn làm được điều này thì phải có cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm, trong đó có vướng mắc về mua sắm trang thiết bị dạy học”, ông Tuyến cho hay.

Ông Tuyến nói thêm, Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện thuộc quản lý của 3 đơn vị. Trong đó, UBND huyện, thành phố sẽ quản lý về con người, tài chính. Sở GD – ĐT quản lý về mảng giáo dục thường xuyên. Sở LĐTB - XH quản lý về mảng giáo dục nghề nghiệp. Chính vì kiểu “cha chung” này vô tình gây khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị dạy học.

ADQuảng cáo

“Từ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trung tâm được bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Tuy nhiên, theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD - ĐT, chúng tôi không thể tiếp cận nguồn vốn để mua sắm. Dạy nghề thì cần phải có máy móc, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, do đó, chúng tôi rất mong được đầu tư để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Tuyến nói.

phong-ngay-512-hinh-nen-man-hinh-chinh-.jpg
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chia sẻ về khó khăn hiện nay của Trung tâm GDNN-GDTX huyện

Tương tự, ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cũng cho biết: “Sau 8 năm thành lập, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Glong mong muốn có một nơi làm việc ổn định. Từ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện được bố trí 16 tỷ đồng để xây dựng trụ sở và phòng học. Nhưng trên thực tế, đến nay, địa phương chưa triển khai được do vướng các quy định hiện hành. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng Bộ GD - ĐT và Bộ LĐTB - XH vẫn chưa có cách giải quyết phù hợp”.

Đổi mới để hiệu quả

Năm 2023, Bộ LĐTB - XH đã quy hoạch giảm được 279 cơ sở GDNN. Hiện cả nước còn 1.888 cơ sở. Hầu hết các địa phương chỉ còn 1 - 2 trường. Tỉnh Đắk Nông hiện có 15 cơ sở có chức năng GDNN, trong đó có 7 trung tâm GDNN - GDTX, 6 cơ sở GDNN và 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề.

hinh-4.jpg
Học sinh, phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận về các trường nghề

Việc học nghề đang trở thành xu hướng được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn. Bởi nó không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực tế mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Do đó, các trung tâm này cần phải đổi mới nhằm thu hút học sinh về học và coi học nghề là lựa chọn đúng đắn của bản thân. Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam cho biết, để thu hút học sinh, thời gian qua, đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề, nhất là những nghề đang có nhu cầu nhân lực cao như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, thú y…

“Nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên, nhà trường chú trọng đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu. Hàng năm, các giáo trình được chỉnh lý, biên soạn bổ sung, cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Ngoài ra, công tác liên kết với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cũng được quan tâm. Từ đó, sinh viên sẽ có việc làm và có thể tự lập thân, lập nghiệp sau khi tốt nghiệp”, ông Chung Văn Phong nói.

Không chỉ các cơ sở GDNN - GDTX cần đổi mới, chính học sinh, phụ huynh cũng cần thay đổi cách nhìn nhận về các trường nghề. Theo một số cán bộ quản lý, hiện nay, phụ huynh và học sinh vẫn còn tâm lý “kỳ thị" các trường nghề, trung tâm GDNN - GDTX. Nhiều bậc phụ huynh vẫn nặng tâm lý muốn con em có được tấm bằng đại học. Trong khi đó, học sinh cũng cố gắng để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, nhất là trong bối cảnh cánh cửa trường đại học rộng mở hơn. Nhiều trường đại học sẵn sàng hạ thấp “tiêu chuẩn”, điểm đầu vào để xét tuyển đủ chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, để các trung tâm hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí tiền của Nhà nước, khắc phục triệt để tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” thì việc phân luồng sau THCS và THPT là một trong những giải pháp cần thiết, căn cơ.

Liên quan đến vấn đề này, Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, đơn vị đã và đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới và tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi để thu hút phần lớn thanh niên đi học nghề.

Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh động viên, khuyến khích các học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể chọn học tập tại các trung tâm, trường nghề, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông… Các trường phổ thông tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh… tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông.

Còn theo lãnh đạo Sở LĐTB - XH tỉnh Đắk Nông, để khắc phục và phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm đào tạo nghề, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến sâu rộng các chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc làm, dạy nghề. Các cấp, ngành phải xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hàng năm, mỗi cấp, ngành, địa phương tiếp tục đưa chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Không những vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đi đôi với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư để tạo việc làm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, học nghề; nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua quỹ quốc gia về việc làm; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của Nhân dân. Các cấp, ngành quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu học tập và thực hành của học viên được tốt hơn. Công tác tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hút, tạo việc làm cần được tăng cường.

Bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc tìm giải pháp của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ của các trung tâm phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, phải tự cứu mình, tìm cho mình hướng đi phù hợp. Mỗi trung tâm cần dựa vào thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch đào tạo những ngành nghề phù hợp với thực tế, nhu cầu; tránh tình trạng “cung” vượt “cầu”.

Các trung tâm tự làm một “cuộc cách mạng”, tạo điểm nhấn, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0; phải liên tục cải tiến và phát triển để duy trì vị thế trên thị trường cạnh tranh. Đội ngũ giáo viên, giảng viên cần chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu học tập của học viên và xu thế dạy nghề trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, từng bước khẳng định vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề phải tự khẳng định giá trị với xã hội bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học ra trường có việc làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối đi nào cho các trường nghề ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO