Văn hóa

"Lời chào" và "mâm cỗ" của người Đắk Nông

Thanh Hằng 22/09/2023 12:19

Các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông thể hiện khát vọng, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, sự tài tình trong lựa chọn, tinh tế trong chế biến.

Đặc sản hòa quyện hương vị núi rừng

Có dịp đến với những buôn làng người Ê đê dọc sông Sêrêpôk (Cư Jút), du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị của núi rừng. Trong số đó vếch bò là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê.

cdnphoto.dantri.com.vn-iauunzpwffzrdaq-x4xrowngrp8-2023-01-24-_vech-bodak-nong2023duong-phong5-1674551165114(1).jpg
Vếch bò là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê (Ảnh: Nguyễn Nam).

Vếch là món ăn độc đáo, được nấu từ một đoạn ruột non liền kề với bao tử của bò kèm gân, da, đuôi bò… nấu kèm với cả chục loại gia vị như gừng, sả, lá é, ớt hiểm, lá ngót rừng, tiêu xanh, hoa đu đủ đực, hạt kơ nia, sả cây... và đặc biệt không thể thiếu cà đắng.

Để chế biến món vếch không nặng mùi, người chế biến đã cẩn trong khâu chế biến, đoạn ruột non được chần nước sôi rồi rửa qua với nước muối. Vếch sẽ được đun trong lửa nhỏ liu riu nhiều giờ liền để miếng thịt vừa mềm vừa thơm, hòa quyện các gia vị.

Vếch bò thường được nấu trong những dịp trọng đại của người Ê đê để cúng thần linh, những tiệc lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà. Vếch nấu chín khi ăn có vị đắng đặc trưng kết hợp hài hòa với vị chua thanh, chát, cay, ngọt và ăn kèm với một số loại lá rau rừng của Tây Nguyên.

Đãi khách bằng món thắng cố trứ danh
Chị Hoàng Thị Ván, thôn 5, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) rời quê huyện Bắc Hà (Lào Cai) vào Đắk Nông lập nghiệp từ năm 2008.

Cũng như nhiều người Mông khác vào huyện Đắk Glong lập nghiệp, ngoài việc giữ gìn những phong tục tập quán truyền thống, chị Ván và cộng đồng dân tộc của mình còn mang tới vùng đất mới những nét văn hóa đặc sắc, trong đó có món thắng cố, rượu ngô và mèn mén.

thang-co-2(1).jpg
Dù di cư vào Đắk Nông hàng chục năm qua, nhưng người H'mông vẫn giữ được những món ăn truyền thống.

Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’mông ở vùng núi cao Tây Bắc. Trước đây, khi chế biến một con ngựa, người dân tộc nơi đây thường không bỏ đi thứ gì. Thắng cố chính là món ăn được nấu từ nội tạng và xương, thịt ngựa.

Món ăn truyền thống này thường được người Mông làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề, những ngày có đông người. Tuy nhiên, vượt qua khỏi ranh giới món ăn của một cộng đồng dân tộc, ngày nay thắng cố trở thành đặc sản nổi tiếng, thậm chí xuất hiện trong bài hát “cướp vợ” với ca từ giản dị “Người Mông uống rượu ngô, ăn thắng cố”.

thang-co-1(1).jpg
Thắng cố được chế biến, bày bán tại những buổi họp chợ phiên Đắk R'măng (Đắk Glong).

Chị Ván kể, khi xã Đắk R’măng xây dựng chợ phiên, mỗi tuần họp chợ một lần vào ngày chủ nhật, chị và một số người khác đã nấu thắng cố để phục vụ người dân đi chơi chợ. Để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thắng cố được nấu từ thịt và nội tạng bò hoặc dê thay vì thịt ngựa như trước đây.

“Ngày nay không còn nhiều ngựa như trước nên để làm thắng cố, chúng tôi đổi sang thịt bò, dê. Dù có thay đổi nguyên liệu chế biến thế nhưng các gia vị vẫn phải đầy đủ để giữ được trọn vẹn hương vị đặc trưng của món ăn này, trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng”, chị Ván tiết lộ.

thang-co-3(1).jpg
Hiện nay người Mông còn làm thắng cố để ăn hàng ngày hoặc thiết đãi khách quý.

Được biết, ngoài các phiên chợ, hiện nay người Mông còn làm thắng cố để ăn hàng ngày hoặc thiết đãi khách quý… Khi thưởng thức, thắng cố vẫn đặt trên bếp đun, khách và chủ nhà vừa nhâm nhi chén rượu, vừa thưởng thức món ăn và trò chuyện trong không gian ấm cúng.

Ấn tượng “linh hồn” của ẩm thực Tây Bắc

Nhắc đến đồng bào dân tộc Thái nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những điệu múa xòe, nhảy sạp, đến chiếc áo cóm cùng chiếc khăn piêu duyên dáng.

Bên cạnh đó, người Thái còn nổi tiếng khéo léo, cầu kỳ trong nghệ thuật ẩm thực. Họ đã sáng tạo biết bao món ăn độc đáo và đặc sắc từ những sản vật rất đỗi bình dị của thiên nhiên, núi rừng, trong đó có Pa pỉnh tộp. Món ăn được coi là “linh hồn ẩm thực Tây Bắc” được nhiều gia đình dân tộc Thái kỳ công chuẩn bị mỗi khi có khách quý tới chơi nhà.

pa-ping-top(1).jpg
Cộng đồng người Thái ở xã Trường Xuân vẫn giữ hương vị của Pa pỉnh tộp.

Ông Vi Đình Quang, bon Ding Plei, xã Trường Xuân (Đắk Song) cùng gia đình vào Đắk Nông sinh sống nhiều năm nay. Thế nhưng, trong câu chuyện của mình, ông Quang luôn nhắc đến món Pa pỉnh tộp như một niềm tự hào của đồng bào Thái.

Ông Quang chia sẻ, Pa trong tiếng Thái có nghĩa là “cá suối”; Pa pỉnh tộp có nghĩa là cá gập nướng. Để chế biến món ăn này, nguyên liệu chính là cá và các loại gia vị không thể thiếu như mắc khén, hạt dổi, hành, tỏi...

Cũng theo ông Quang, phần lớn nguyên liệu đều có sẵn trong các khu rừng ở Tây Bắc, đặc biệt là hạt mắc khén, hạt dổi. Khi vào Đắk Nông, nhiều người đã mang theo loại gia vị này để giữ được trọn vẹn hương vị của món Pa pỉnh tộp.

Để làm được món Pa pỉnh tộp, người Thái thường chọn cá rô phi, cá chép, nặng khoảng 0,7– 1kg. Gia vị bỏ vào bụng cá, gấp lại cho vào kẹp rồi nướng trên bếp than hồng.

Khi ăn, món Pa pỉnh tộp sẽ được mọi người thưởng thức dần từ phần thịt giòn ngọt bên ngoài đến phần nhân bên trong có hương thơm đậm đà. Pa pỉnh tộp được ăn kèm với xôi, chấm với chẻo, thêm chén rượu ngô cay cay.

Nói thêm về món ăn dân dã, đặc trưng này, ông Vi Đình Quang cho biết, cuộc sống ngày nay hòa theo sự phát triển hiện đại, nhiều món ăn ngon lạ xuất hiện. Thế nhưng, Pa pỉnh tộp vẫn được người Thái ở Đắk Nông gìn giữ và lưu truyền, như một điều không thể thay thế trong ẩm thực.

Là món ăn mang hồn cốt quê hương, làm ấm lòng mỗi người con khi nhớ về cội nguồn dân tộc nên vào những ngày lễ tết hay đơn giản chỉ là khách đến chơi nhà, bà con đồng bào người Thái lại làm Pa pỉnh tộp để bày tỏ tình cảm chân thành và quý mến. Món ăn vừa chứa đựng tình cảm, sự khéo léo của người nấu, vừa thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người Thái.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        "Lời chào" và "mâm cỗ" của người Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO