Kinh tế

Loay hoay chuyện thương hiệu nông sản Đắk Nông (kỳ 3): Giải pháp nào để thành công?

Lê Dung - Thanh Nga 21/09/2023 17:08

Để nông sản hàng hóa của Đắk Nông đi được lâu và xa hơn trên thị trường, việc tạo dựng, bảo vệ thương hiệu là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía.

ky-3-cover.jpg

LOAY HOAY CHUYỆN THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐẮK NÔNG

Để nông sản hàng hóa của Đắk Nông đi được lâu và xa hơn trên thị trường, việc tạo dựng, bảo vệ thương hiệu là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía.

Bài học từ một thương hiệu lớn

dieu.jpg
Thương hiệu "Điều Hồng Đức" được doanh nghiệp xây dựng từ năm 2008

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Đắk Nông, Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho chính sản phẩm của mình. Năm 2008, sau khi thành lập doanh nghiệp, Công ty đã được hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm “Điều Hồng Đức”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Công ty cũng chưa chú trọng tới bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm của mình.

Công ty chỉ tập trung cho vấn đề sản xuất và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Cho tới khi sản phẩm điều có mặt chính thức tại thị trường Trung Quốc thì Công ty mới vỡ lẽ về chuyện thương hiệu. Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay, lúc này, Công ty đăng ký nhãn hiệu “Điều Hồng Đức” tại Trung Quốc thì bị trùng, vì đã có đơn vị khác đăng ký trước. Vì vậy, Công ty buộc phải đăng ký dưới tên mới là “Việt Quý nhân” cho sản phẩm điều của mình.

Bà Nguyệt cho biết: “Thật ra, việc bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm của doanh nghiệp phải đăng ký ở từng quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, do chưa hiểu hết các quy định, nên chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần đăng ký một lần là sản phẩm có thể có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới”.

hd.jpg
Nhãn hiệu "Điều Hồng Đức" được vận chuyển sang kho của doanh nghiệp bên Trung Quốc rồi đóng gói đưa ra thị trường với tên khác

Hiện tại, nhãn hiệu “Điều Hồng Đức” chỉ được cấp văn bằng bảo hộ trong nước và các nước khác trên thế giới, ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Đây là thiệt thòi lớn cho Công ty khi sản phẩm “Điều Hồng Đức”, dù có chỗ đứng vững vàng sau bao năm vất vả, lăn lộn thị trường tại quốc gia này.

Mỗi năm, Công ty TNHH Hồng Đức sản xuất gần 10.000 tấn điều các loại để cung ứng ra thị trường. Trong đó, riêng thị trường tiêu thụ của Trung Quốc đang chiếm tới gần 90% sản lượng hàng hoá do Công ty sản xuất.

“Doanh nghiệp phải tìm hiểu, chủ động đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm mình làm ra ngay từ khi mới khởi nghiệp. Nếu chỉ quan tâm tới việc sản xuất thì khi sản phẩm vươn xa trên thị trường sẽ rất thiệt thòi. Thương hiệu mất, hành trình chinh phục thị trường cho sản phẩm phải bắt đầu lại”, bà Nguyệt chia sẻ.

Bảo vệ uy tín sản phẩm

img_1238.jpg
Nhãn hiệu "VINABOOM" được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) đăng ký bảo hộ từ năm 2021

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) mỗi năm cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản khác nhau như: mắc ca, thanh gạo lứt… Nhận thấy vai trò quan trọng của thương hiệu hàng hoá, năm 2021, Công ty đã đăng ký SHTT nhãn hiệu “VINABOM” cho sản phẩm của mình. Có tên tuổi, sản phẩm của Công ty dễ dàng tiếp cận thị trường, được nhiều khách hàng tin dùng.

Theo bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty, quá trình đăng ký nhãn hiệu, bao bì, Công ty được Sở KH-CN quan tâm hỗ trợ rất kỹ lưỡng. Việc đăng ký SHTT tương đối dễ dàng. "Giờ đây, Công ty có thể toàn tâm phát triển sản xuất, không lo sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Sản phẩm của Công ty cũng dễ tiếp cận thị trường hơn", bà Dịu cho biết.

Sau khi được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 sao, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) đã tiến hành đăng ký quyền bảo hộ SHTT cho sản phẩm “Mắc ca Mơ Nông” của mình. Các thủ tục về tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch, tem chống hàng giả… đều được các cấp, ngành tận tình hướng dẫn, hỗ trợ cho HTX.

mac-ca-td.jpg
Mắc ca của Đắk Nông là sản phẩm mới và là một trong những nhãn hiệu được đăng ký nhiều nhất

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để có được sản phẩm chất lượng, các xã viên đã bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ. Thế nhưng, khi tung sản phẩm ra thị trường, khả năng bị làm giả, làm nhái sẽ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục nâng cao về chất lượng, việc đăng ký SHTT là vô cùng quan trọng. "Có SHTT, tem chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng tôi sẽ bảo vệ được uy tín, giá trị sản phẩm của mình một cách lâu dài, hiệu quả", ông Tuấn chia sẻ.

Liên kết để vững mạnh

bo-booth.jpg
Nhiều diện tích bơ của Đắk Nông được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo luật sư Lương Thành Long, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK, hiện nay, số lượng sản phẩm, dịch vụ của Đắk Nông được bảo hộ SHTT đang rất ít so với cả nước.

Trong thời gian tới, Đắk Nông cần có chính sách riêng biệt trong việc phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa. Trước hết, địa phương cần tập trung tuyên truyền, tập huấn đến các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu, tiếp cận đúng cách về SHTT. Tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch để đưa việc tạo lập, khuyến khích bảo hộ quyền SHTT ngay từ khi bắt đầu sản xuất...

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Huy Phong, Phó Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, để bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, địa phương đã ban hành quyết định kêu gọi đầu tư chế biến sau thu hoạch đối với lúa gạo Krông Nô. Một số nhà đầu tư đã đến địa phương tìm hiểu với mục đích xay xát, chế biến sâu nông sản hàng hóa.

Huyện khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến gạo thành các sản phẩm như: bún, phở, bánh, kẹo… Khi 100% sản phẩm của địa phương được thu mua, sản xuất, mang thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô” sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho nông dân, doanh nghiệp và HTX.

img_0211.jpg
Để nông sản vươn xa, việc liên kết chuỗi sản xuất tạo thành thương hiệu lớn đang được Đắk Nông đẩy mạnh

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thị trường nông sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm trái cây, rau, quả đã đến khoảng 80 nước. Nông sản Việt Nam đã có thị trường lớn như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo ông Bình thì vấn đề ở đây là khâu tổ chức sản xuất. Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng nên tổ chức sản xuất theo quy mô HTX, trang trại.

o-yen-pho-chu-tich-5-.png
Ảnh: Lê Dung - Thanh Nga

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát những vướng mắc trong thủ tục hành chính về tiêu thụ nông sản. Từ đó, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, mã vùng trồng cho nông sản. Việc xây dựng liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp sẽ thêm chặt chẽ hơn nữa.

o-muoi.png
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Loay hoay chuyện thương hiệu nông sản Đắk Nông (kỳ 3): Giải pháp nào để thành công?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO