Nông nghiệp - Nông thôn

Loay hoay chuyện thương hiệu nông sản Đắk Nông (kỳ 2): Thiếu dấu ấn trên thị trường

Lê Dung- Thanh Nga 19/09/2023 11:24

Trước áp lực từ thị trường, một số thương hiệu nông sản của Đắk Nông không phát triển được, đành bỏ ngỏ. Một số sản phẩm chấp nhận “len lỏi” để lần tìm hướng đi, nhưng rất khó khăn trên thị trường.

cover-ky-2-nga.jpg

LOAY HOAY CHUYỆN THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐẮK NÔNG

Trước áp lực từ thị trường, một số thương hiệu nông sản của Đắk Nông không phát triển được, đành bỏ ngỏ. Một số sản phẩm chấp nhận “len lỏi” để lần tìm hướng đi, nhưng rất khó khăn trên thị trường.

Chưa trọng dụng thương hiệu

Các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Đắk Nông sau đăng ký đã giúp người dân, doanh nghiệp, HTX ổn định về chất lượng, bán được giá cao. Tuy nhiên, các nhãn hiệu này hiện vẫn chưa phát huy được giá trị như mong đợi. Năm 2021, Đắk Nông là địa phương thứ 2 trong cả nước được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Đắk Nông” cho sản phẩm hồ tiêu. Tuy nhiên, CDĐL sau khi cấp chưa được các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng hiệu quả.

sau-rieng-dak-mil.jpg
Nhãn hiệu "Sầu riêng Đắk Mil" mới dừng lại ở việc xây dựng và đăng ký

Đơn cử như HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Hưng Phát, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) đang có 41 hộ dân tham gia sử dụng CDĐL, với tổng diện tích là 41,3 ha. Năm 2021, HTX được cấp chứng nhận sử dụng CDĐL “Đắk Nông” cho sản phẩm hồ tiêu. Tuy nhiên, đến nay, tại vườn tiêu của các xã viên chưa có biển CDĐL “Đắk Nông”. Trên các sản phẩm hồ tiêu chưa có tem CDĐL. Sản phẩm xuất đi tiêu thụ cũng chưa gắn CDĐL “Đắk Nông”. Giám đốc HTX Vũ Công Chinh cho biết: “Trên thực tế, dù có CDĐL thì khi HTX bán sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc bán trên thị trường tự do, giá cả vẫn không cao hơn so với trước. Do đó, bà con chưa thể mặn mà với CDĐL”.

Theo Sở KH-CN, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận sử dụng CDĐL chủ yếu bán sản phẩm thô cho các đơn vị thu mua, không sản xuất hạt tiêu thương phẩm. Việc sử dụng CDĐL “Đắk Nông” còn mang tính hình thức. Hiện nay, trong 10 nhãn hiệu tập thể của Đắk Nông đang có 3 nhãn hiệu ngưng hoạt động gồm: “Gà thả vườn Đắk R’lấp”; “Năm màu Hà Phát”; “Rau Đắk R’lấp”.

Có 5/10 nhãn hiệu tập thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng và đăng ký bảo hộ, chưa có kế hoạch quản lý và phát triển cụ thể, bao gồm: “Xoài Đắk Mil”, “Sầu riêng Đắk Mil”, “Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận”, “Khoai lang Tuy Đức”, “Tiêu Đắk Song”. Còn lại 2 nhãn hiệu tập thể bước đầu đã có sự chuyển biến và phát triển. Tuy nhiên, sản phẩm cũng chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, với số lượng còn khiêm tốn như: “Lúa Gạo Krông Nô”, “DakDam Coffee”.

Xây dựng, quản lý thương hiệu kém bài bản

Nông sản của Đắk Nông đang dần khẳng định về chất lượng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là nhiều sản phẩm nông sản lại đang phải mượn “tên tuổi” của một thương hiệu khác để gia nhập thị trường. Ngược lại, một số thương hiệu của tỉnh lại bị nơi khác đánh cắp cũng để tiếp cận thị trường.

lua-gao-krong-no.jpg
“Lúa Gạo Krông Nô” đang bị sản phẩm từ bên ngoài trà trộn, lấy cắp thương hiệu

Nhãn hiệu “Lúa Gạo Krông Nô” là một ví dụ. Nhãn hiệu được triển khai xây dựng từ năm 2017. Sau khi được công nhận, huyện Krông Nô đã hoàn thiện hồ sơ cũng như đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao cho người dân, nhất là giá cả của lúa khô dao động từ 13.000– 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhãn hiệu này hiện đang chịu nhiều tổn thất do bị sản phẩm bên ngoài trà trộn.

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, nhiều sản phẩm lúa, gạo trồng ở nơi khác, nhưng lại đóng gói mang thương hiệu Buôn Choáh, cung ứng ra bên ngoài. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất cũng như thương hiệu chung.

Việc đánh đồng thương hiệu như vậy khiến người tiêu dùng lầm tưởng là gạo Buôn Choáh, nhưng chất lượng lại lúc này, lúc kia. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ không còn tin tưởng và dần quay lưng lại với thương hiệu gạo chính thống của mình. “Mỗi năm, địa phương gieo sạ 2 vụ lúa; trong đó, mỗi vụ, gieo trồng khoảng 2.600 ha. Riêng xã Buôn Choáh có khoảng 650 -750 ha lúa. Mong muốn của các ngành, các cấp sớm có giải pháp để quản lý, bảo vệ tốt hơn cho thương hiệu, nhãn hiệu của lúa gạo Buôn Choáh nói riêng, Krông Nô nói chung”, ông Phong bày tỏ.

ca-tim-dak-ha.jpg
Một phần sản phẩm của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) phải mượn "tên tuổi" của đơn vị khác để cung ứng ra những thị trường lớn

Ngược lại, tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) lại đang phải mượn “tên tuổi” cho nông sản để bước ra thị trường. Hiện tại, HTX đang có 200 ha sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30% sản lượng rau, củ, quả do đơn vị sản xuất được bán vào hệ thống các siêu thị. Còn lại vẫn phải đi “đường vòng” dưới tên của một đơn vị thu mua ở tỉnh Lâm Đồng mới tới được chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc HTX cho rằng, điều này khiến cho HTX, bà con xã viên vô cùng thiệt thòi. Bởi toàn bộ hàng hoá của HTX hiện đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình canh tác được HTX đầu tư bài bản và tốn khá nhiều chi phí để sản xuất.

Tuy nhiên, do gặp khó trong khâu tiêu thụ, nên sản phẩm buộc phải đi theo một thương hiệu khác để tiếp cận những thị trường lớn. Giá bán vì thế cũng giảm mạnh. Đầu ra cho sản phẩm lại phụ thuộc nên bấp bênh, thiếu ổn định…

Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng từ 3-4 sao. Hiện có 2 sản phẩm đang được Sở NN-PTNT và chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá OCOP hạng 5 sao.

Nhiều nông sản vẫn vô danh

Sầu riêng, chanh dây là những sản phẩm mới nổi trên thị trường thế giới trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các nông sản này của Đắk Nông vẫn đang xuất khẩu một cách vô danh.

z4704587996808_910c9612af8eb7fca1631913b2bfb2a9.jpg

Ông Vũ Đình Chiện, đại diện Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) cho hay, mỗi ngày, Công ty sản xuất từ 5-10 tấn sầu riêng cấp đông. Sản lượng này được xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Úc, Thái Lan... Tuy nhiên, trước khi muốn đưa sản phẩm vào được thị trường Trung Quốc, sầu riêng của Đắk Nông phải "quá cảnh" tại Thái Lan. Từ đây, doanh nghiệp Thái Lan sẽ đóng gói và xuất khẩu qua đất nước thứ 3.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) cũng đang xuất khẩu chanh dây thông qua khâu trung gian. Do đó, tên tuổi của chanh dây Đắk Nông cũng không còn, mặc dù sản lượng sau chế biến rất lớn. “Khi xuất khẩu nông sản trực tiếp dưới tên tuổi của mình buộc các doanh nghiệp của Đắk Nông phải đầu tư bài bản từ nhà xưởng, quy trình sản xuất, chế biến, am hiểu về phát luật cũng như thông lệ của quốc tế. Muốn được như vậy, các doanh nghiệp không chỉ mạnh về tài chính, nguồn lực, mà phải đầu tư nghiên cứu, nhạy bén với thị trường…”.

chanh-day-1.jpg
Phần lớn chanh dây của Đắk Nông đang xuất khẩu qua khâu trung gian

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều chương trình kết nối, quảng bá nông sản đến các thị trường có sức tiêu thụ lớn như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh được triển khai; trong đó, ưu tiên kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay chuyện thương hiệu nông sản Đắk Nông (kỳ 2): Thiếu dấu ấn trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO