Thêm sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: Các tỉnh có còn lựa chọn khách quan?Dự thảo thông tư mới, dự kiến các trường được tự chọn sách giáo khoaNên hay không "rót" 400 tỉ đồng ngân sách làm thêm một bộ sách giáo khoa? |
Đây là năm thứ 5, ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
5 năm, 3 lần thay đổi
Giáo dục đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong các đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị trung ương VIII khóa XI Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đổi mới chương trình sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông sau 5 năm triển khai vẫn loay hoay tìm hướng đi. (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 26/12/2018, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, trong đó có đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia.
Tuy nhiên chỉ trong vòng 5 năm, chính sách lựa chọn sách giáo khoa giao cho địa phương hay trường lựa chọn liên tục thay đổi. Từ ban đầu giao cho nhà trường lựa chọn bộ sách, rồi chuyển sang giao cho địa phương, và năm học này lại quay về giao cho nhà trường và phụ huynh tham gia cùng. Chưa kể, chất lượng của các bộ sách vẫn còn đang là điều phải bàn khi mà “sạn” trong các bộ sách liên tục được phát hiện đã khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi lo ngại về chất lượng giáo dục hiện nay.
Sự bất ổn trong chính sách lựa chọn “nội dung, chương trình” giáo dục cho các em học sinh đã tạo tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội đặc biệt là đối với các gia đình có con em đang đi học nhất là các em thuộc đối tượng thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Nên tích hợp thành một bộ sách, thống nhất các cấp học, môn học, lớp học
Có ý kiến cho rằng nên soạn một bộ sách mới thống nhất cho các cấp học, môn học, lớp học thay vì để 3 bộ sách như hiện nay. Cuối cùng để chắc ăn, nhiều phụ huynh đã bỏ tiền mua cả 3 bộ sách cho yên tâm. Vừa lãng phí nguồn lực đất nước, và tiêu tốn kinh phí của các gia đình có con em đi học, vừa tạo tâm lý hoang mang của học sinh.
Nói về vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội ngày 25/10, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng: Hãy hội tụ chất xám từ những bộ sách đang có để thống nhất một bộ sách thay vì lại soạn thảo một bộ sách giáo khoa mới. Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ 2018 đến nay chưa kết thúc, đề nghị có sự tích hợp đồng bộ, thể hiện trách nhiệm, chuyên nghiệp trong hình thành sản phẩm một bộ sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa. Ảnh: Thu Hường |
"Quan điểm của tôi một bậc học, môn học, lớp học thống nhất một bộ sách thôi. Sẽ triển khai từ năm 2025 - 2030, nhưng trước hết phải đánh giá kết quả thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa - chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
“Việc tích hợp các bộ sách giáo khoa để thành một bộ sách thống nhất nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là chủ trì phối hợp với các cơ quan khác. Nếu đơn phương giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chủ trì vừa triển khai sẽ không hiệu quả và minh bạch bởi chúng ta cần yếu tố toàn diện, đồng thuận và khách quan. Phải hội tụ các chuyên gia chuyên môn chuyên ngành để không lệch, hổng trong từng bậc học, môn học” - đại biểu Sửu góp ý.
Thay vì chọn bộ sách nào hãy thay đổi tư duy trong giáo dục
Ở góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội, chương trình đổi mới sách giáo khoa đòi hỏi phải có lộ trình chuyển đổi từ 4 năm đến cả 10 năm, khi bắt đầu đưa vào giảng dạy chúng ta phải xác định hướng đi đã đúng chưa và phải kiên định với hướng đi đó.
Ông Cường cho rằng, nếu chúng thay đổi chiến lược trong quá trình thực hiện sẽ làm cho xã hội xáo trộn. Đồng ý rằng những nội dung hiện tại có những yếu tố chưa phù hợp, nhưng tôi cho rằng chưa phải là vấn đề quan trọng vì sách giáo khoa không phải là học từng đấy cuốn sách hoặc đúng cuốn sách đấy mà quan trọng là nội dung tri thức để người học hiểu và chuyển thành kiến thức của họ để có thể diễn đạt lại.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thay đổi tư duy trong giáo dục. Ảnh: Thu Hường |
“Bây giờ quan trọng nhất tìm xem chương trình sách giáo khoa này đang hổng ở chỗ nào, tiếp theo là năng lực của giáo viên có đủ năng lực truyền tải chương trình hay chưa” - đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.
"Phải thay đổi tư duy của người làm giáo dục, giáo viên và cả của người học, người dạy; không phải lệ thuộc theo cuốn sách mà dạy theo nội dung" đại biểu Cường đề nghị.