Loạt ngân hàng cắt giảm nhân sự, nguyên nhân do đâu?

Trung Anh| 18/02/2025 10:59

Ngành ngân hàng đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong cơ cấu nhân sự, khi một số ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự nhằm "tinh giản" bộ máy bất chấp lợi nhuận tăng cao.

Biến động nhân sự ngành ngân hàng

Mới đây, thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) sa thải nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, làm việc đạt hiệu quả nhưng không có bằng tốt nghiệp đại học đang gây xôn xao dư luận. Tính đến cuối năm 2024, quy mô nhân sự Sacombank là 17.058 người, giảm tới 351 người so với cuối năm 2023. So với năm 2019, Sacombank đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý 4/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA ước đạt 1,46%, ROE ước đạt 20,23%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành.

Loạt ngân hàng thi nhau cắt giảm nhân sự nguyên nhân do đâu

Ngân hàng BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng năm 2024 đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12,4%, tiếp tục dẫn đầu về quy mô tổng tài sản và duy trì các chỉ tiêu an toàn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông lớn ngành ngân hàng lại "mạnh tay" hơn trong việc tái cơ cấu bộ máy khi cắt giảm gần 1.000 nhân sự từ 29.997 người về 28.998 người trong năm 2024. Dù đây vẫn là NH có số lượng nhân viên lớn nhất ở thời điểm hiện tại.

Ngân hàng VIB năm vừa qua lợi nhuận sau thuế giảm 15%, xuống còn gần 7.205 tỷ đồng. Đồng thời trong năm qua, VIB cũng thu hẹp quy mô nhân sự khi giảm 476 người sau một năm, còn 11.323 nhân sự tại thời điểm 31/12/2024. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với năm 2023 khi VIB là đơn vị tuyển dụng tích cực với hơn 1.800 nhân sự mới.

ACB cũng thu hẹp quy mô với mức giảm 365 người, còn lại 12.847 nhân sự vào cuối năm. TPBank, Nam A Bank, ABBank và KienlongBank cũng ghi nhận sự sụt giảm, nhưng mức điều chỉnh không đáng kể, dưới 100 nhân viên mỗi ngân hàng.

Tái cấu trúc nhân sự để phù hợp với xu thế

Theo diễn giải của các nhân hàng, việc cắt giảm nhân sự chủ yếu xuất phát từ quá trình số hóa và tái cấu trúc, giúp ngân hàng tối ưu vận hành. Trong khi một số ngân hàng giảm mạnh ở bộ phận truyền thống, họ vẫn liên tục tuyển dụng nhân sự cho các mảng chiến lược như công nghệ và tài chính số.

Liên quan đến vấn đề nhân sự của ngành NH, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà đây là xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn ra ở nhiều ngành khác nhau. Trong đó, nguyên nhân nổi bật là việc các ngân hàng ứng dụng chuyển đổi số, nhiều công việc chuyển lên môi trường online nên số lượng nhân viên giảm đi. Trước đây nhiều chi nhánh có cả trăm người thì sau này các ngân hàng đã cắt giảm chỉ còn một nửa, thậm chí còn ít hơn. Bởi số lượng khách hàng đến các chi nhánh, phòng giao dịch trực tiếp cũng giảm dần khi nhiều hoạt động được thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử, ứng dụng Internet Banking. Xu hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả cũng như tái cấu trúc nguồn nhân lực tốt hơn.

Thời gian qua, ngành ngân hàng khá tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên trong các ngân hàng luôn ở mức cao nên việc cắt giảm vài trăm người, nếu xét theo tỷ lệ trên tổng số nhân sự thì cũng không phải quá nhiều.

Loạt ngân hàng thi nhau cắt giảm nhân sự nguyên nhân do đâu

Còn theo chia sẻ của ông Trương Tiến Sĩ, Phó giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, việc một số ngân hàng sa thải nhân viên gần đây không phải là cho nghỉ hàng loạt mà có thể là nhân viên không đáp ứng nhu cầu công việc, bằng cấp không chuẩn hóa.

“Ngoài yêu cầu tốt nghiệp đại học để đáp ứng kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, nhân sự ngành này còn cần am hiểu về các xu hướng mới như ứng dụng công nghệ số, ứng dụng AI, tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm… để thích nghi nhanh với môi trường chuyển đổi số”, ông Sĩ nói.

Các chuyên gia nhận định, việc cắt giảm nhân sự chủ yếu do tác động từ quá trình chuyển đổi số. Nhiều giao dịch và dịch vụ trên nền tảng trực tuyến đang giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh truyền thống. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại những cơ hội cho những ai sẵn sàng thích nghi và nâng cao chuyên môn. Những người có kỹ năng về dữ liệu, phân tích tài chính và công nghệ số sẽ vẫn có chỗ đứng vững chắc, ngay cả khi AI tiếp tục bùng nổ trong ngành Ngân hàng.

Tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại sáng 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt các mục tiêu này, tín dụng phải tăng trên 16%. Vì vậy, trong thời gian tới, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải phát triển hệ thống, tuyển thêm nhân sự, để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thực tế, năm qua nhiều ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động khi số nhân sự tăng mạnh so với đầu năm. Tăng mạnh nhất là MBBank khi ngân hàng này tuyển dụng thêm 1.674 người, nâng tổng số nhân viên lên 12.155 người. 

Ngay sau đó là Vietbank (VBB) với mức tăng 13% (2.875 người). HDBank cũng là một trong những ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về tuyển dụng nhân sự trong năm 2024, tuyển dụng thêm 1.188 nhân sự.

Ngân hàng Vietcombank - đơn vị dẫn đầu về lợi nhuận năm 2024 của ngành ngân hàng - năm qua tuyển mới thêm 813 nhân viên, nâng tổng số nhân sự lên 24.306 người. LPBank cũng nằm trong nhóm tăng mạnh với 562 nhân sự mới... 

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/loat-ngan-hang-cat-giam-nhan-su-nguyen-nhan-do-dau-134526.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/loat-ngan-hang-cat-giam-nhan-su-nguyen-nhan-do-dau-134526.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Loạt ngân hàng cắt giảm nhân sự, nguyên nhân do đâu?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO