Video clip:
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng thành viên BCĐ 138 và BCĐ 389 tham dự.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Năm 2020, tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,8%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,8%; trong đó, có 54/63 tỉnh, thành giảm. Nhiều loại tội phạm giảm như: Trộm cắp giảm 9,86%; cướp tài sản giảm 9,99%. Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 89,5%.
Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 83,5%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%. Cả nước triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm các loại. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma tuý đã được phát hiện và điều tra phá án…
Đối với công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, nhận diện rõ hơn những phương thức, thủ đoạn vi phạm.
Lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 24.817 tỷ đồng, tăng 15,39% so với cùng kỳ; khởi tố 2.543 vụ, tăng 28,3%…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của BCĐ 138 và BCĐ 389 vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tội phạm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen” còn phức tạp; tình trạng khai thác cát, sỏi, đất trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra nhiều; tội phạm xâm hại trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chống lại lực lượng Công an gia tăng; tội phạm ma tuý phức tạp...
Công tác phòng, ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao, một số nơi còn buông lỏng. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều tiềm ẩn, nhất là mua bán, vận chuyển ma tuý, thuốc lá, gian lận thuế xuất nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, trong năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm củng cố thêm niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Các BCĐ cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, khẩn trương triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch đề ra. Trong đó, các BCĐ cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có quyết tâm cao trong phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Nếu địa bàn nào còn để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp thì xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý, điều chuyển công tác kịp thời; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại khỏi bộ máy các cán bộ tiếp tay cho tội phạm hoạt động.
Đối với các tội phạm mua bán người, lừa đảo, buôn lậu, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, xâm hại trẻ em… các lực lượng chức năng cần xác lập chuyên án, triệt phá tận gốc, xử lý đúng người, đúng pháp luật...