Công nhân làm việc tại một nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu một số loại gạo và cho rằng lệnh này sẽ gây tác động đến lạm phát toàn cầu.
Nhà kinh tế trưởng, kiêm Giám đốc Phòng Nghiên cứu, của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nói rằng việc chính phủ Ấn Độ ngăn chặn xuất khẩu gạo có khả năng làm trầm trọng thêm sự biến động của giá lương thực thế giới, dẫn đến các biện pháp trả đũa, có thể gây hại cho toàn cầu.
Nhận định của ông Gourinchas được đưa ra trong cuộc họp báo sau lễ công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới ngày 25/7, tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington (Mỹ).
Trong báo cáo, trước khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được ban hành, IMF dự báo rằng giá ngũ cốc toàn cầu sẽ tăng 10-15% do việc tạm ngừng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, đồng thời cho hay IMF vẫn đang tiếp tục đánh giá tình hình.
Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati, có hiệu lực ngay lập tức.
Ngay sau thông báo, một số các quốc gia trong khu vực châu Á đã bày tỏ lo ngại về tác động của lệnh cấm đối với thị trường gạo quốc tế và cho rằng giá gạo có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới./.