“Lỗ hổng” trong quản lý san lấp mặt bằng dự án ở Đắk Nông
Nhiều công trình, dự án có san lấp mặt bằng ở Đắk Nông phải dừng thi công vì vấn đề pháp lý liên quan đến khai thác đất. Điều này cũng để lộ ra “lỗ hổng” lớn về quản lý vật liệu san lấp mặt bằng hiện nay.
Tháng 9/2022, Sở TN-MT Đắk Nông ban hành Công văn số 2333 gửi Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và UBND cấp huyện về nội dung liên quan đến quản lý san lấp mặt bằng.
Theo đó, Sở TN-MT yêu cầu các đơn vị thi công những công trình có san lấp mặt bằng phải đăng ký khối lượng, công suất, phạm vi khai thác đất.
Việc đăng ký phải theo quy định tại Điều 53, 54, Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Các đơn vị phải lập hồ sơ, nộp về Sở TN-MT trước ngày 30/10/2022. Sau thời hạn trên, nếu các chủ dự án không thực hiện, Sở TN-MT sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định.
Đối với các dự án triển khai sau thời điểm ban hành Công văn 2333, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các nhà đầu tư lập hồ sơ theo quy định. Việc san lấp đất chỉ được thực hiện khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung theo Công văn 2333 của Sở TN-MT chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm. Trên thực tế, còn nhiều công trình, dự án không phép hoặc chưa được cấp phép san lấp vẫn triển khai đào đắp rầm rộ.
Đơn cử, tại Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông tại TP. Gia Nghĩa. Dự án do Ban Quản lý dự án TP. Gia Nghĩa làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông thi công.
Dự án này cần khối lượng đào đắp rất lớn. Để có đất đắp mặt bằng, nhà thầu đã tự ý múc hàng chục ngàn m3 đất từ khắp nơi đưa về san lấp. Việc múc đất, vận chuyển đất trái phép diễn ra trong thời gian dài, đặc biệt rầm rộ vào tháng 3 - 4/2023.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông, nếu công trình, dự án có đất đào đắp trong nội bộ, chỉ cần đăng ký khối lượng, công suất, phạm vi… là được cấp phép.
Còn nếu dự án phải đưa đất từ nơi khác về, cần phải đăng ký và sau khi được cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường mới được thực hiện.
Ông Minh cho rằng, Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/1/2017. Nhưng suốt 1 thời gian dài, tỉnh Đắk Nông không yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện.
Đây là “lỗ hổng” trong quản lý Nhà nước về san lấp mặt bằng các dự án xây dựng. Năm 2021, "lỗ hổng" này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và Đắk Nông cần phải tuân thủ quy định.
Hiện nay, Sở TN-MT đã có hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị định 158, nhưng kết quả thực tế còn rất khiêm tốn.
Trong đó, khó khăn nhất là tỉnh chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác, nên không có nguồn vật liệu san lấp hợp pháp. Các đơn vị, địa phương còn lúng túng vì nhiều năm liền không thực hiện việc lập hồ sơ khai thác đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, thời gian qua, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan trong việc thực hiện Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ chưa được chặt chẽ.
“Lỗi của chủ đầu tư là không thực hiện đúng theo quy định đã được hướng dẫn. Còn cơ quan Nhà nước có lỗi khi không theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Vấn đề này cần phải sớm xử lý, khắc phục”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chỉ đạo.