Giá sầu riêng giảm
Anh Trần Đức Phát, thương lái ở Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chuyên thu mua sầu riêng ở 2 huyện Krông Pắk và Krông Búk cho biết: 2 tuần qua, giá sầu riêng thương lái bán tại kho với hàng loại 1 đã hạ từ 95.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg, loại 2 giá 80.000 đồng/kg hạ còn 60.000 đồng/kg và loại 3 giá 55.000/kg giảm còn 45.000 đồng/kg. Thương lái mua tại vườn chỉ mua xô 1 giá chứ không phân loại nhưng công ty thu lại với nhiều mức giá nên hàng loại 2, loại 3 hiện lỗ rất nặng.
Anh Phát lấy ví dụ "Với giá chốt tại vườn ban đầu là 85.000 đồng/kg, thêm chi phí cắt trái, vận chuyển về kho lên giá 88.000 đồng/kg nhưng bán công ty chỉ được giá 45.000 – 75.000 đồng/kg thì chỉ còn nước…phá sản".
Chia sẻ về nguyên nhân giá sầu riêng giảm mạnh, anh Phát lý giải: "Sầu riêng chín rộ mùa. Hàng xuất qua cửa khẩu quá nhiều, dư thừa nguồn cung. Hiện, sầu riêng tồn đọng ở cửa khẩu lâu ngày cũng làm hư hỏng hàng hoá. Trong khi đó thời tiết Đắk Lắk mùa này mưa thất thường nên cũng làm chất lượng sầu riêng đi xuống, trái bị sượng, sống nhiều nên mất giá hơn".
Ông Phát kể: Với tình hình thu mua sầu riêng khó khăn hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, thợ và công nhân cũng về miền Tây rất nhiều. Thậm chí, còn có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, nợ tiền thương lái.
Theo ông Lê Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy chi nhánh khu vực Tây Nguyên chuyên xuất khẩu sầu riêng (ở thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), doanh nghiệp này hiện cũng lỗ nặng, có nhiều nguyên nhân nhưng đều xoay quanh giá sầu riêng giảm mạnh.
"20 ngày qua, công ty lỗ nặng. Vì vậy, chúng tôi đã hạn chế thu mua sầu riêng và cố gắng thương lượng về giá cả với nhà vườn để hạn chế thiệt hại. Thu mua hàng cũng khắt khe hơn trước", ông Danh bộc bạch.
Năn nỉ nông dân chia sẻ khó khăn
Trước tình hình này, các doanh nghiệp, thương lái đã xin nhà vườn chia sẻ khó khăn để thu hàng cho bà con khi trái đã già và rụng nhiều. Nhà vườn chia sẻ hạ giá thì thương lái sẽ cắt cho nhà vườn, nếu không họ chấp nhận bỏ cọc chứ cắt vào sẽ lỗ đậm hơn nữa.
Ông Lê Văn Danh chia sẻ, nhiều nhà vườn đã đồng ý hạ 10.000 đồng/kg so với giá thoả thuận ban đầu. Chẳng hạn ở thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk có các vườn bà Đặng Thị Huệ, vườn ông Hoàng Trọng Hoàn, vườn ông Hộ Trọng Cường…
Cũng theo ông Danh, có nhiều nhà vườn nhất quyết không hạ giá và lấy cọc theo đúng hợp đồng đã ký nếu doanh nghiệp không thu mua theo giá đã chốt trước đó. "Nhiều người dân không hiểu về thị trường, cứ nghĩ doanh nghiệp, thương lái bày trò để ép dân xuống giá, nên rất mong nhà vườn thông cảm và sẻ chia khó khăn cùng thương lái và doanh nghiệp. Thị trường sầu riêng giảm là điều bất khả kháng", ông Danh bùi ngùi.
Ông Hà Văn Hào (ở thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) chia sẻ, gia đình ông có 2 ha ước tính thu hoạch 80 tấn. Trước tình hình giá sầu riêng giảm mạnh, công ty cũng muốn thương lượng để hai bên có thể thu hoạch sầu riêng nhanh chóng, nên ông đã giảm 4 giá so với giá ban đầu đã chốt là 84.000 đồng/kg.
"Tôi thấy giá bán năm nay thế cũng cao rồi, nếu không thương lượng công ty bỏ cọc không mua nữa thì nguy to. Lúc ấy, trái rụng thì chỉ bán hàng chợ hoặc bóc múi giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, phải tự đi thu gom và chở đi bán, nhà vườn lại thiệt hại nặng", ông Hào nói.
Trước thị trường sầu riêng hiện nay, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo: "Không phải bây giờ khi giá sầu riêng đang giảm mạnh mà ngay cả khi giá sầu riêng tăng cao nông dân và doanh nghiệp, thương lái cũng phải thường xuyên xem xét, điều chỉnh giá cho phù hợp thực tế, đưa ra giải pháp hợp tác để việc tiêu thụ sản phẩm ổn định".