Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 đã được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thỏa thuận Paris yêu cầu chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp; các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên. Quyết định 01/2022/QĐ-TTg được ban hành đã góp phần kiểm soát 23% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải. Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Các địa phương đã hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý trung ương, địa phương, cơ sở trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Cơ sở thuộc danh mục cơ sơ phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và một số doanh nghiệp lớn trong nước (Vinamilk, Vinfast,…), doanh nghiệp nước ngoài (HSBC, Coca-Cola, Intel,…) đã tăng cường nhận thức, tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tăng cường năng lực được phố biến rộng rãi đến các cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp và người dân.
Thêm vào đó, Liên minh Châu Âu đã thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) đối với một số hàng hóa cụ thể như thép, xi măng, hóa chất, phân bón... và xu hướng sẽ tiếp tục mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Cơ chế CBAM sẽ áp giá các-bon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất và đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp xuất khẩu các hàng hóa trên của Việt Nam phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Một số cơ sở thuộc các ngành công nghiệp xuất khẩu có cường độ phát thải khí nhà kính cao của Việt Nam đã kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu mới từ cơ chế CBAM.
Khó khăn, hạn chế
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn có một số khó khăn, hạn chế trong triển khai Quyết định 01/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Nguồn nhân lực thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất do vấn đề về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính là lĩnh vực mới, yêu cầu cao về nguồn lực thực hiện.
Một số thông tin của cơ sở (địa chỉ, tình trạng hoạt động,…) hiện không còn chính xác. Nguyên nhân do một số cơ sở thay đổi địa chỉ kinh doanh, hoạt động, đổi tên hoặc ngừng hoạt động.
Chế độ cung cấp thông tin về số liệu hoạt động của các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại một số tỉnh, thành phố chưa đảm bảo chất lượng và thời gian.
Các danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số cơ sở mới đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn và hạn chế nêu trên, việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật là rất cần thiết nhằm thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, đồng thời thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Tăng thêm 981 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật.
Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, cụ thể:
Ngành công thương có 2.261 cơ sở (Phụ lục II) là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022.
Ngành giao thông vận tải có 81 cơ sở (Phụ lục III) là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.
Ngành xây dựng có 140 cơ sở (Phụ lục IV) bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022.
Theo ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng, danh mục thuộc ngành xây dựng không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại tòa nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của các loại toà nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực toà nhà.
Ngành tài nguyên và môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn (Phụ lục V) có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với 341 cơ sở (Phụ lục VI) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Tuy nhiên, Danh mục tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm các cơ sở thuộc ngành này. Nhằm hướng tới mục tiêu quản lý phát thải khí nhà kính của toàn bộ nền kinh tế, việc bổ sung các cơ sở thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính là phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Như vậy, tổng số cơ sở thuộc các danh mục cập nhật là 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở, tương đương với mức tăng 51,3% so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.