“Linh ảnh” và hành trình "đền ơn, đáp nghĩa"
Điện ảnh Quân đội nhân dân phối hợp nhóm phục chế ảnh TeamLee thực hiện bộ phim tài liệu "Linh ảnh". Tác phẩm thể hiện tinh thần phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng và lòng biết ơn của cán bộ, chiến sĩ trong thời bình.
Cảnh hậu trường của đoàn làm phim tài liệu "Linh ảnh". |
"Linh ảnh" là bộ phim về việc phục chế các bức ảnh liệt sĩ mà nhóm TeamLee thực hiện. Không đơn thuần chỉ là những bức ảnh được phục dựng lại đúng, đẹp mà nó còn là những bức ảnh mang giá trị thiêng liêng, mang tinh thần, ý chí của các liệt sĩ.
Thông qua bức ảnh là những câu chuyện xúc động về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ cũng như thân nhân của họ. Đó là lý do đoàn làm phim thống nhất chọn tên phim là "Linh ảnh".
Vừa đảm nhận vai trò tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn phim, Thiếu tá - đạo diễn Nguyễn Quang Quyết chia sẻ: Trong rất nhiều sự tri ân đối với những hy sinh mất mát của các gia đình liệt sĩ thì phục chế ảnh là một hành động hết sức thiết thực và có sức lay động lớn. Bởi rất nhiều gia đình đến nay vẫn không có được bức hình để thờ phụng cũng như nhắc nhở con cháu về cha ông mình. Việc phục chế lại chân dung các Anh hùng liệt sĩ phần nào xoa dịu nỗi mất mát đau thương của các gia đình.
Thiếu tá - đạo diễn Nguyễn Quang Quyết. |
Khi vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn, anh gặp cả thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, Nguyễn Quang Quyết hiểu kịch bản, nhân vật, nội dung cũng như những ý tưởng muốn thực hiện. Việc khai thác nhân vật cũng thuận lợi hơn bởi anh đã tiếp cận và có sự hiểu biết nhất định về từng nhân vật trong kịch bản.
Tuy nhiên, việc đạo diễn tự viết kịch bản thì trong quá trình thực hiện bộ phim cũng dễ dẫn đến tính chủ quan cá nhân được đẩy quá mức. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, nếu là một đạo diễn khác thực hiện kịch bản, có lẽ họ sẽ có góc nhìn khác, khách quan hơn. Do vậy, anh phải trao đổi, lắng nghe ý kiến của ê-kíp, của biên tập và hội đồng nghệ thuật để chỉnh sửa sao cho hợp lý nhất.
Có rất nhiều câu chuyện xúc động mà TeamLee thực hiện trong suốt hành trình phục dựng và trao ảnh, mỗi một bức ảnh là một câu chuyện, một trang sử của liệt sĩ và thân nhân của họ.
TeamLee ưu tiên làm ảnh cho các liệt sĩ mà còn cha mẹ già. Bởi thời gian ngày một trôi đi, sức khỏe của các mẹ ngày một già đi. Có được bức ảnh liệt sĩ khi mẹ còn sống là niềm an ủi vô cùng lớn. Đó cũng chính là động lực giúp đoàn làm có cơ duyên biết đến nhau và hoàn thành sớm "Linh ảnh".
Đạo diễn phim cho biết, ngay từ đầu khi xây dựng kịch bản, tôi đã xác định làm bộ phim dùng nhiều "lời đồng bộ" (lời tự sự của nhân vật) làm mạch dẫn cho phim nên việc đặt câu hỏi, tạo cảm xúc cho nhân vật cũng cần tính trước. Khi ra hiện trường quay, việc trao đổi với ê-kíp đặc biệt là kỹ sư âm thanh luôn được bàn tính cụ thể, chi tiết như: yếu tố thời gian, không gian.... để bảo đảm chất lượng thu âm tốt nhất.
Xác định đa số đồng bộ của nhân vật sẽ là mạch cảm xúc do vậy việc đưa đẩy và bắt trúng cảm xúc cũng được ê-kíp phim hết sức chủ động trong quá trình ghi hình.
Đặc biệt, đây là bộ phim dùng cơ bản là thiết bị quay nhỏ gọn, cơ động nên các nhân vật không bị ảnh hưởng, chi phối về thiết bị nên không bị đứt mạch cảm xúc.
"Mỗi bộ phim là một bài học cũng như những kỷ niệm cho ê-kíp. Đây không phải là bộ phim đầu tiên tôi làm khai thác nhiều về mạch cảm xúc. Nhưng nó lại khá đặc biệt bởi các nhân vật ở nhiều vùng miền, địa phương, độ tuổi khác nhau do đó việc thích ứng của cả đoàn phim là rất nhanh. Trong quá trình ghi hình có phân đoạn mưa nhưng chúng tôi lại quay lúc trời rất nắng nóng có những cụm cảnh không có nắng mà chúng tôi phải tạo hiệu quả nắng. Khi thực hiện những cảnh đó các thành viên TeamLee và cả nhân vật đều cười và nói: Nghệ thuật đúng là nhiều khi lừa dối. Chúng tôi cũng cười và nói: Lộ hết bài. Nhưng cảm xúc sẽ đưa đẩy cùng với những chi tiết như vậy. Quả thật khi về hậu kỳ đó lại là những cụm cảnh chúng tôi rất thích", đạo diễn Nguyễn Quang Quyết chia sẻ.
Trong phim có phân đoạn không nằm trong kịch bản mà đoàn phim bắt gặp trực tiếp trong quá trình tác nghiệp. Như cụm cảnh người đàn ông đã ngoài 70 tuổi đạp xe chở bức ảnh của em về cho mẹ. Đây là cụm cảnh rất xúc động. Xem bằng hình ảnh thôi cũng cảm thấy sự xúc động trong khuôn hình.
Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau còn dai dẳng ở lại, việc hàn gắn vết thương của chiến tranh không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức nào, nó là trách nhiệm của toàn xã hội.
Hành động của TeamLee - những chàng trai của thế hệ ZenZ là minh chứng khẳng định: Giới trẻ không thờ ơ trước những hi sinh mất mát của cha ông. Nhiều bạn trẻ cũng lựa chọn hành động như thế nào để sự tri ân đó đúng nghĩa và có sức lan toả tốt nhất với cộng đồng.
Là một đạo diễn với nhiều bộ phim làm về chủ đề người lính như: Phim Đỏ, Hùng ca Điện Biên Phủ, Tiểu đội Hoa Hồng, Thanh âm đại ngàn… đạo diễn Nguyễn Quang Quyết bộc bạch, anh thấy may mắn khi một số phim mình làm về đề tài người lính cả trong chiến tranh và thời bình được sự quan tâm của khán giả, nhất là giới trẻ.
Thông qua mỗi tác phẩm, đạo diễn cũng như ê-kíp sẽ rút ra được nhiều bài học cũng như kinh nghiệm cho tôi để có thể làm những tác phẩm sau tốt hơn, chiếm được tình cảm của khán giả nhiều hơn. Chính những góp ý, chia sẻ cũng như lời động viên của khán giả sẽ là nguồn động lực để đoàn phim hoàn thiện mình hơn trong từng tác phẩm.
Đề tài người lính và chiến tranh cách mạng luôn là một kho tàng bất tận đòi hỏi thế hệ sau cần cảm nhận, đào sâu, phải tìm tòi để thể hiện sự tri ân và sáng tạo. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho những nhà làm phim yêu thích đề tài này đặt ra thử thách cho mình và thể hiện tinh thần, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.