Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. |
Về dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cùng đại diện hơn 200 hợp tác xã trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Bài cho biết: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, kinh tế tập thể mà trực tiếp là các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 735 hợp tác xã, trong đó 508 hợp tác xã nông nghiệp, 50 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 55 hợp tác xã vận tải, 83 hợp tác xã thương mại và dịch vụ, 27 hợp tác xã xây dựng và 12 quỹ tín dụng nhân dân.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. |
Số hợp tác xã là thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh là 601 thành viên, chiếm 81,7% tổng số hợp tác xã, với tổng số thành viên hợp tác xã toàn tỉnh khoảng 69.500 thành viên và tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 22.500 lao động.
Doanh thu bình quân hợp tác xã khoảng 1,8 tỷ đồng/năm, doanh thu của hợp tác xã với thành viên đạt khoảng 220 triệu đồng/năm, lãi bình quân hợp tác xã đạt 250 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.
Cùng với hợp tác xã, tổ hợp tác cũng được hình thành, phát triển với nhiều hình thức tổ chức và loại hình hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 379 tổ hợp tác với khoảng 7.400 thành viên tham gia, trong đó có 373 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp; thu nhập của các thành viên tổ hợp tác đạt khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện nay các tổ hợp tác được tổ chức chặt chẽ hơn, có khoảng trên 90% tổ hợp tác được chính quyền địa phương chứng thực hợp đồng hợp tác, các tổ hợp tác phát triển chủ yếu ở khu vực nông thôn, phát triển mạnh dưới hình thức tổ liên kết…
Theo ông Huỳnh Bài, để có được kết quả trên, trong thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các tổ chức đoàn thể, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 87 lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề về tuyên truyền kinh tế tập thể cho 5.645 người là cán bộ thôn, buôn; cán bộ, thành viên các tổ chức đoàn thể. Phối hợp các tổ chức đoàn thể của tỉnh lồng ghép các chương trình hoạt động để tuyên truyền các đoàn viên, hội viên thành lập hợp tác xã hoặc tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giới thiệu các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, mô hình hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, hộ nông dân…
Từ nguồn kinh phí của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và của địa phương cấp, từ năm 2011 đến năm 2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ cho 307 hợp tác xã với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Hằng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành và thành viên hợp tác xã... Thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần giúp cho cán bộ quản lý trong các hợp tác xã cải thiện về năng lực quản lý điều hành, từng bước tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng dần số lượng hợp tác xã khá giỏi, đa dạng ngành nghề kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thành viên, thích ứng với cơ chế thị trường, tăng tính cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác...
Đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007 đến nay đã giải ngân cho 147 lượt hợp tác xã vay, với doanh số cho vay hơn 61,5 tỷ đồng, trong đó, số vốn các hợp tác xã nông nghiệp vay chiếm 76%.
Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương hỗ trợ vốn vay cho hợp tác xã của tỉnh với số tiền là 520 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; giúp nhiều hợp tác xã tăng cường nguồn lực đầu tư, mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của thành viên và người lao động.
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện tốt công tác hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến; hỗ trợ xúc tiến thương mại; thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thành viên và hợp tác xã…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng như Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành quả mà Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk đạt được trong 30 năm qua, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế như: Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả cao, lợi ích về kinh tế-xã hội mang lại cho thành viên chưa nhiều; công tác hỗ trợ hợp tác xã chưa được toàn diện; việc huy động các nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hợp tác xã…
Để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể theo chủ trương của Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và các địa phương cũng như Liên minh Hợp tác xã và hợp tác xã toàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 của Chính phủ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Trong đó, coi trọng các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Cần nhận thức đúng về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục soát xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã; quan tâm thường xuyên hỗ trợ về nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã, liên kết sản xuất-tiêu thụ, phân phối sản phẩm hàng hóa…
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2022 cho lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk. |
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực phát huy hơn nữa vai trò “bà đỡ” của Liên minh Hợp tác xã đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã để hợp tác xã tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, khẳng định hơn nữa vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân, cùng thi đua thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đối với Liên minh Hợp tác xã và bản thân các hợp tác xã cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào hợp tác xã; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm gắn tăng trưởng với tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và nhân dân, bảo đảm bình đẳng tiếp cận cơ hội và thành quả của tăng trưởng không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển…
Các đại biểu ấn nút ra mắt Trang thông tin điện tử về kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk. |
Nhân dịp này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk ra mắt Trang thông tin điện tử về kinh tế tập thể tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.