Tiếp sức cho nông nghiệp
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã phần nào đáp ứng đủ nguồn vốn cho lĩnh vực NNNT.
Các ngân hàng đã chú trọng cải cách hành chính trong thủ tục cho vay phục vụ sản xuất NNNT. Việc khảo sát nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa được các tổ chức tín dụng chú trọng.
Đối với những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tùy vào nhu cầu khách hàng, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất. Nhiều chương trình, chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay cũng được các ngân hàng triển khai áp dụng.
Nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để phát triển sản xuất |
Đơn cử như Ngân hàng NN - PTNT Chi nhánh Đắk Nông, dư nợ trong lĩnh vực này hiện nay trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 85% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Theo ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Chi nhánh, hàng tháng, đơn vị giao chỉ tiêu kế hoạch dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân để các đơn vị trực thuộc thực hiện.
Về phía các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc thực hiện phân giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ tín dụng. Nhiều chương trình ưu đãi được triển khai, các sản phẩm dịch vụ được đầu tư về công nghệ, mạng lưới… đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng.
Đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ
Hiện nay, còn rất lớn người dân, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ở khu vực NNNT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Đắk Nông, phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh đang sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, cứ chạy theo phong trào mà chưa có sự liên kết trong sản xuất.
Vòng luẩn quẩn được mùa mất giá luôn tái diễn. Thị trường tiêu thụ không ổn định, khả năng thanh khoản nợ thấp, dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu tại ngân hàng.
Muốn tín dụng phát huy hiệu quả, địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể. Giữa ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân cần có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra.
Nhân viên Ngân hàng BIDV Đắk Nông hướng dẫn thủ tục giao dịch cho khách hàng |
"Đây không chỉ là giải pháp tạo sự bền vững trong tăng trưởng tín dụng, mà còn hạn chế rủi ro phát sinh trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn”, ông Hải nêu quan điểm.
Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vay vốn hiện nay của các trang trại, hợp tác xã rất lớn. Vậy nhưng, tài sản mang tính bảo đảm của các trang trại, hợp tác xã không đáp ứng được nhu cầu.
Đối với nhiều trường hợp của người dân, tài sản bảo đảm lại đứng tên nhiều thành viên trong gia đình, nên thủ tục vay vốn khá rườm rà. Do vậy, một số trường hợp khách hàng bỏ ngang giữa chừng vì mất quá nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực NNNT. Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các nghị định của Chính phủ về hạn mức, lãi suất ở lĩnh vực này.
Trong đó, việc ưu tiên nguồn vốn cho các vùng chuyên canh cây trồng lớn như cho vay tái canh, nông nghiệp sạch, cho vay phát triển cây hồ tiêu, cà phê… sẽ được các đơn vị chú trọng.
Năm 2021, tổng dư nợ cho nền kinh tế tại hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh gần 33.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ thuộc lĩnh vực NNNT hơn 28.200 tỷ đồng, chiếm 83,5% tổng dư nợ. Toàn tỉnh hiện có trên 57.840 khách hàng vay vốn ở lĩnh vực này. |