Kinh tế

Liên kết mang lại 10% giá trị sản xuất nông nghiệp Đắk Nông

Kim Ngân 09/11/2023 05:30

Nhờ xây dựng các chuỗi liên kết, tỉnh Đắk Nông đã nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nhiều loại nông sản.

ADQuảng cáo
dsc_9008-1-.jpg
Người dân xã Ea Pô (Cư Jút) liên kết với HTX Sản xuất TM- DV Bình Minh trồng hồ tiêu VietGAP

Trước đây, các ngành hàng nông sản Đắk Nông vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu tính ổn định. Nhiều vùng sản xuất, đối tượng cây trồng chưa hình thành chuỗi liên kết; sản phẩm làm ra chưa đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường kém.

Trước thực tế đó, những năm qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương và doanh nghiệp ở Đắk Nông đã chú trọng đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Đơn cử, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau xanh VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) và đạt được kết quả tích cực.

Mô hình này là bước khởi đầu để người dân có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, hợp tác cùng nhau sản xuất rau xanh theo tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu thường xuyên, liên tục, giá trị cao để cung ứng ra thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, kết quả của mô hình đã mở ra hướng đi mới. Nó giúp định hình phương pháp sản xuất bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn trong các khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản tồn tại nhiều năm nay.

rau-xanh1-1-.jpg
Sản xuất cải thảo áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Thịnh Phát
ADQuảng cáo

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng làm đầu mối để Công ty TNHH Thực phẩm CJ Foods Việt Nam – Chi nhánh Long An ký kết hợp đồng liên kết với HTX Thịnh Phát (Đắk Glong) để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Theo đó, năm 2022, Công ty đã thu mua tổng cộng 160 tấn cải thảo của thành viên HTX, với giá ổn định 7.000 đồng/kg. Được bảo đảm đầu ra, người trồng rau không phải lo lắng bởi tình trạng tư thương ép giá, hàng hóa “dội chợ”.

Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết, chuỗi liên kết giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác. Chuỗi liên kết cũng góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực sản xuất.

Tương tự, tại xã Đức Xuyên (Krông Nô), những năm qua, người dân đã liên kết với Công ty Cổ phần CP hạt giống Việt Nam trồng hơn 100 ha bắp F1. Trong quá trình sản xuất, bà con được Công ty tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bắp, nên mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Lượng, xã Đức Xuyên cho hay: “Bắp F1 trồng tại địa phương khá thích hợp. Bắp phát triển tốt, đạt năng suất cao và được công ty bao tiêu sản phẩm với giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, nên chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Theo sở NN – PTNT tỉnh, những năm qua, các hoạt động tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được quan tâm mạnh mẽ. Trong đó, ngành Nông nghiệp rất chú trọng kiến tạo, hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đắk Nông hiện có 64 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với 8 sản phẩm nông nghiệp các loại. Tổng cộng có 9.563 hộ gia đình tham gia vào các chuỗi liên kết này. Các chuỗi liên kết chiếm 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

img_4105-1-.jpg
Gia đình ông Nguyễn Thanh Mười, xã Nam Bình (Đắk Song) liên kết sản xuất cà phê hữu cơ với HTX Đoàn Kết

Việc thực hiện các chuỗi liên kết đã giúp khai thác hiệu quả lợi thế sản xuất, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường. Việc liên kết cũng giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết mang lại 10% giá trị sản xuất nông nghiệp Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO