Liên kết để phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên

Đức Hùng| 08/08/2014 09:31

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tây Nguyên được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước. Với những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đã và đang tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên. Vì vậy, liên kết để cùng nhau phát triển du lịch là mục tiêu mà các tỉnh trong khu vực đang hướng đến, nhằm góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.

ADQuảng cáo

Đa dạng tiềm năng du lịch

Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh. Vùng đất nằm ở khu vực ngã ba biên giới có nhiều cửa khẩu với các nước Lào, Campuchia.

Địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn, các thung lũng với những cánh đồng trù phú,  tạo nên khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Những yếu tố tài nguyên đã tạo điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Tuyền Lâm, Đan Kia (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum).

Tây Nguyên còn có những cánh rừng nguyên sinh, với cảnh quan còn mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy. Những giá trị “xanh” đó tập trung chủ yếu tại các Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk) Chư Mom Ray (Kon Tum), Chư Prông (Gia Lai), Bi doup – Núi Bà (Lâm Đồng); các Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), Nâm Nung, Tà Đùng (Đắk Nông)… Đây là những lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái mang đậm bản sắc riêng có.

Hồ sinh thái Tà Đùng, (Đắk Glong). Ảnh: Ngọc Tâm

Tây Nguyên cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh thắng nổi tiếng, có giá trị để phát triển du lịch bao gồm: cảnh quan dọc sông Đắk Bla, Pa Cô, Sêrêpốk, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai...; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia, Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai); các hồ thủy điện Yaly, Đại Ninh; hệ thống thác nước như Đray Sáp, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren...

Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn có những giá trị văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và đặc sắc. Vùng đất cư ngụ của 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành kho văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước cùng với một “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Không gian văn hóa trải dài từ Bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên, với hàng trăm loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo. Nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu như: nhà rông,  nhà dài, tượng nhà mồ, các lễ hội ăn trâu, lễ cúng bến nước, lễ cúng mùa, các làn điệu dân ca, điệu múa nghệ thuật, hát sử thi...của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng...

Ngoài ra, Tây Nguyên còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như: Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei, Di tích chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh (Kon Tum); Tây Sơn Thượng Đạo, Nhà lao Đắk Pleiku, Làng kháng chiến Stor (Gia Lai); Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng dân tộc học Đắk Lắk (Đắk Lắk); Di tích lịch sử N’Trang Gưh, Cụm di tích lịch sử N’Trang Lơng, Nhà ngục Đắk Mil (Đắk Nông); Chùa Linh Ứng, Thiền viện Trúc Lâm, Nhà thờ chánh tòa (Lâm Đồng).

Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc Tây Nguyên từ tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ, gắn bó với rừng núi, nương rẫy cũng là những nét văn hóa đặc sắc có thể khai thác, phục vụ du lịch.

Một góc TP. Đà Lạt hôm nay. Ảnh: Ngọc Tâm

Liên kết là điều cần thiết

ADQuảng cáo

Theo đánh giá thì những năm qua, số lượng khách du lịch đến các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nguyên tăng hàng năm, nhưng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiềm năng chưa khai thác hết là việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực chưa hiệu quả. Vì vậy, tại Hội thảo liên kết phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên vừa tổ chức tại Đắk Nông, đã có nhiều ý kiến bàn về hướng phát triển du lịch của toàn vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Theo đại diện của Sở VHTT&DL TP. Hồ Chí Minh, thì Tây Nguyên có tiềm năng du lịch lớn, nhưng chưa khai thác hết được là do hạ tầng còn quá yếu kém, các dịch vụ du lịch hầu như chưa phát triển, các kênh quảng bá còn ít…

Vì vậy, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với TP. Hồ chí Minh để tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế cũng như đẩy mạnh việc phát hành băng đĩa tuyên truyền về các tour, tuyến, sản phẩm du lịch.

Còn ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk cho rằng, ngoài gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thì sở dĩ sự liên kết chưa thành công là vì các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên (ngoài Lâm Đồng) còn quá nhỏ, manh mún, trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch phải rất lớn.

Ngoài ra, giá đất cho các doanh nghiệp thuê làm du lịch sinh thái ở Tây Nguyên còn quá cao, ngang bằng với giá thuê đất thương mại dịch vụ của các doanh nghiệp khác, trong khi đặc thù của Tây Nguyên là địa hình còn nhiều khó khăn.

Một vấn đề mà ông Thanh cho là cấp bách hiện nay chính là cần phải thành lập một ban điều phối chung về du lịch của các tỉnh Tây Nguyên, để có tiếng nói chung cho phát triển du lịch của vùng. Bởi vì, đã có rất nhiều chương trình liên kết du lịch giữa các tỉnh, nhưng hiệu quả hợp tác đó thực sự chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, các tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè quốc tế; phát huy thế mạnh chung về không gian văn hóa cồng chiêng, sử thi, phải coi đây là những sản phẩm chung của cả khu vực Tây Nguyên chứ không nên mạnh ai nấy làm.

Các tỉnh cần ngồi lại để xây dựng riêng sản phẩm cho Tây Nguyên để có thể hình thành logo, slogan du lịch chung, nhưng cũng phải căn cứ vào chương trình hành động chung của quốc gia, của khu vực và đặc thù địa phương. Về phía Chính phủ cũng nên có những hỗ trợ thiết thực cho 5 tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng cơ chế chính sách riêng; có những ưu đãi đặc biệt về hạ tầng, thiết chế văn hóa thể thao, tạo động lực cho phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra, để liên kết 5 tỉnh Tây Nguyên có hiệu quả thì cần phải có một “nhạc trưởng” chung. Đặc biệt, Tổng Cục Du lịch cần làm đầu mối liên kết; đồng thời hỗ trợ xây dựng khẩu hiệu, biểu trưng riêng cho 5 tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ và nghiên cứu phát triển thị trường, xác định được thị trường trọng điểm.

Du khách tham quan hồ Lắk (Đắk Lắk) bằng thuyền độc mộc. Ảnh: Thương Hà

Chia sẻ về vấn đề liên kết, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nói: “Khách du lịch không thể bỏ một số tiền lớn  lên đây chỉ để xem một lễ hội, một thác nước rồi về, nên các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cần phối hợp để có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phục vụ du khách.

Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Tây Nguyên có đầy đủ những thế mạnh riêng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá vùng đất hoang sơ, hùng vĩ và đa bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Vì vậy, việc các tỉnh Tây Nguyên hợp tác, liên kết để cùng phát huy có hiệu quả các tiềm năng du lịch là điều hết sức cần thiết, vì sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn vùng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO