Liên kết để nông sản Đắk Nông rộng đường xuất ngoại
Đắk Nông xác định xuất khẩu là giải pháp nâng cao giá trị nông sản. Muốn xuất khẩu tốt, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) xuất khẩu gần 1.000 tấn nước chanh dây và sầu riêng trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Để có hàng xuất khẩu dồi dào, thời gian qua, Công ty đã liên kết với nông dân hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn.
Trong đó, vùng nguyên liệu của Công ty đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Công ty đã được cấp mã vùng trồng, mã đóng gói sản phẩm. Các sản phẩm của Công ty được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, trái cây của Đắk Nông được khách hàng đánh giá ngon hơn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, do lượng mưa ở Đắk Nông nhiều, nông dân lại chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, nên không phải vườn cây nào cũng đạt chất lượng tốt.
Do đó, liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp nông dân sản xuất hiệu quả, tạo ra được sản phẩm chất lượng. “Nông sản xuất khẩu giá cao, nhưng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã ngày một cao. Chúng tôi hỗ trợ nông dân làm được điều này”, bà Vân chia sẻ.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại - Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song) cho biết, năm nay, HTX thu hút thêm nhiều nông dân trở thành thành viên liên kết trồng hồ tiêu hữu cơ.
Hiện nay, HTX có hơn 200 thành viên liên kết trồng trên 986 ha hồ tiêu hữu cơ. Đến này, HTX đã có trên 300 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Thời gian qua, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… Nhờ liên kết với nông dân, nên HTX luôn chủ động được nguồn hàng để xuất khẩu.
Tỉnh Đắk Nông hiện có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sản, với khoảng 9.660 hộ dân tham gia. Các chuỗi liên kết đều do doanh nghiệp, HTX xây dựng. Cây trồng liên kết sản xuất tập trung nhiều như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, xoài, bơ, lúa, đậu nành...
Đến nay, thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đắk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Sở Công thương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông gồm cà phê, tiêu, điều, cao su đã có thị trường xuất khẩu chính ngạch ổn định tại Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Inđônêxia, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm thường chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Đắk Nông đạt khoảng 500 triệu USD.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, trước đây, sản xuất và xuất khẩu tách rời nhau, không gắn kết với nhau. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng ở nước ngoài mua hàng xuất khẩu đều đòi hỏi phải giám sát được mặt hàng.
Vì thế, khách hàng nước ngoài mới yêu cầu Việt Nam phải đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để truy xuất nguồn gốc. "Chúng ta phải chú trọng khâu tổ chức sản xuất. Nông dân, HTX, doanh nghiệp cần chú trọng liên kết với nhau để tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá, nâng cao giá trị sản phẩm", ông Bình nhấn mạnh.