Liên hợp quốc thúc giục chấm dứt xung đột ở Ukraine

25/02/2024 05:12

Sáng 24/2 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp phiên đặc biệt thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine, đúng dịp hai năm xung đột bùng nổ.

Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đây là thời điểm thiết lập hòa bình, một nền hòa bình công bằng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc. Ông Guterres nêu quan ngại sâu sắc về tình trạng xung đột leo thang nguy hiểm, nhấn mạnh mọi tranh chấp quốc tế phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng họp phiên đặc biệt về xung đột tại Ukraine. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis bày tỏ quan ngại về thiệt hại và sự tàn phá sau hai năm xung đột diễn ra. Theo ông, xung đột gây tác động trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực, giá năng lượng.

Xung đột cũng làm xói mòn nền tảng và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, phá vỡ sự cân bằng mong manh của quan hệ quốc tế, vào thời điểm tinh thần đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tìm giải pháp chính trị và hòa bình

Trung Quốc đã kêu gọi nỗ lực quốc tế hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tân Hoa xã dẫn lời Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hợp tác tìm ra giải pháp công bằng và hợp lý cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc kêu gọi các bên thể hiện tinh thần trách nhiệm và thực hiện nỗ lực ngoại giao mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy giảm căng thẳng và tạo thuận lợi nối lại đàm phán.

Thụy Sĩ thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao về hòa bình cho Ukraine vào mùa hè tới. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết, hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Ukraine và Thụy Sĩ muốn mời các nước cùng hợp tác hướng đến mục tiêu chung là hòa bình.

Ngày 23/2, Séc thông báo đã nhận được sự hỗ trợ từ Canada, Đan Mạch và một số nước khác nhằm tài trợ khẩn cấp mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo để gửi đến Ukraine. Truyền thông châu Âu đưa tin, các nước châu Âu đang nỗ lực huy động 1,5 tỷ USD tài trợ khẩn cấp để cung cấp đạn dược cho Ukraine theo kế hoạch của Séc.

Ngày 23/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ký thỏa thuận hợp tác an ninh giữa hai nước kéo dài 10 năm. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, thỏa thuận được ký tại thành phố Lvov, miền tây Ukraine, theo đó Đan Mạch sẽ cấp 8,5 tỷ euro cho Ukraine dưới dạng hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong giai đoạn 2023-2028.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố London sẽ chi 245 triệu bảng Anh cho tới năm 2025 để giúp tăng cường nguồn kho đạn pháo của Ukraine.

Căng thẳng từ trừng phạt và đáp trả

Nhằm đáp trả gói trừng phạt mới nhất của phương Tây, ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Moskva đã mở rộng danh sách quan chức và chính trị gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị cấm nhập cảnh vào Nga. Theo đó, Nga áp đặt trừng phạt đối với những đại diện cơ quan thực thi luật pháp và tổ chức thương mại của EU cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và những người có nhiệm vụ thu thập tài liệu liên quan việc tịch thu tài sản của Nhà nước Nga.

Trước đó, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 13 chống Nga liên quan xung đột tại Ukraine. Gói trừng phạt mới nhằm vào gần 200 thực thể, cá nhân của Nga.

Ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 500 mục tiêu của Nga. Các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng và mạng lưới mua sắm quốc phòng. Theo Bộ Tài chính Mỹ, đây là gói trừng phạt lớn nhất mà Mỹ áp đặt chống Nga kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine.

Cùng ngày, Anh đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và pháp nhân của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí.

Canada cũng khẳng định phối hợp Mỹ và Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 153 tổ chức của Nga. Bộ Ngoại giao Canada cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine về tài chính và hậu cần, hoặc né tránh trừng phạt.

Trong khi đó, hãng tin RIA của Nga dẫn lời Đại sứ nước này tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là đòn tấn công vào lợi ích cốt lõi của Nga, là động thái hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Đại sứ quán Nga tại Canada cũng bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà Chính phủ Canada vừa công bố áp đặt đối với các cá nhân, thực thể Nga.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-thuc-giuc-cham-dut-xung-dot-o-ukraine-post797451.html
Copy Link
https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-thuc-giuc-cham-dut-xung-dot-o-ukraine-post797451.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Liên hợp quốc thúc giục chấm dứt xung đột ở Ukraine
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO