Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 5/6 cho biết cơ quan này sẽ không ký bất cứ văn kiện nào được đưa ra tại Hội nghị hòa bình Ukraine sắp được tổ chức ở Thụy Sĩ.
Phát biểu họp báo, ông Dujarric xác nhận: “Liên hợp quốc sẽ tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên”.
Theo kế hoạch, Thụy Sĩ sẽ tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine trong 2 ngày 15 và 16/6 tới, tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần thành phố miền Trung Lucerne.
Khoảng 160 quốc gia đã được mời tham dự, trong đó có thành viên G7, G20 và một số tổ chức quốc tế.
Thụy Sĩ kêu gọi tất cả các bên tham dự hội nghị đóng góp ý tưởng và tầm nhìn vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine.
Trước đó, ngày 14/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức khó có thể chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Trả lời phỏng vấn tuần báo Stern của Đức, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Khả thi nhất thì đây là sự khởi đầu của một quá trình có thể dẫn đến những cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga.”
Theo ông, hội nghị vào tháng 6 tới sẽ thảo luận về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, xuất khẩu ngũ cốc, trao đổi tù binh và nguy cơ leo thang hạt nhân.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cảnh báo “không nên kỳ vọng quá mức,” đồng thời quả quyết: “Chúng ta không đàm phán để kết thúc chiến tranh.”
Thủ tướng Scholz cho rằng xung đột ở Ukraine có thể kéo dài thêm vài năm nữa và Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ trong thời gian dài.
Trong khi đó, Trung Quốc xác nhận sẽ không tham dự Hội nghị hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức do hội nghị không đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nhấn mạnh yêu cầu của Trung Quốc về một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận là "công bằng" và "không thiên vị" và không nhằm vào bất kỳ bên nào.
Bà Mao Ning cho biết: "Trung Quốc rất coi trọng việc Thụy Sĩ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần đầu tiên và đã làm việc với phía Thụy Sĩ và tất cả các bên liên quan từ đầu năm nay."
Trung Quốc cho rằng hội nghị phải có sự tham gia của cả Nga và Ukraine. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quan điểm rằng, các cuộc đàm phán hòa bình được cả Nga và Ukraine công nhận là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa hai nước.
Trung Quốc đã thông báo với các nhà ngoại giao rằng các điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra chưa được đáp ứng, bao gồm hội nghị phải được cả Nga và Ukraine công nhận, cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và cần có cuộc thảo luận công bằng về tất cả các đề xuất.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị trên cần tôn trọng tình hình thực địa, cần xác định được nguyên nhân gốc của cuộc xung đột để có thể giải quyết ngay từ đầu và các thỏa thuận tiếp theo dựa trên nguyên tắc bình đẳng và an ninh không tách rời khỏi an ninh khu vực.
Ông Lavrov cho biết Trung Quốc có thể sắp xếp một hội nghị hòa bình trong đó có Nga và Ukraine.
Moskva mô tả hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ là "vô nghĩa" và cho biết Nga sẽ từ chối tham gia ngay cả khi được mời.