Lịch nghỉ giao dịch chứng khoán lễ 30/4 và 1/5 năm 2025? (Hình từ internet)
Lịch nghỉ giao dịch chứng khoán lễ 30/4 và 1/5 năm 2025?
Theo Công văn 3193/UBCK-PTTT ngày 31/5/2023 về việc công bố lịch nghỉ giao dịch năm 2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý lịch nghỉ giao dịch thị trường công cụ nợ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 như sau:
Sự kiện | Ngày nghỉ thanh toán |
Giải phóng Miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5 | Từ Thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Thứ Năm ngày 01/5/2025 |
- Đối với các ngày làm việc có khả năng hoán đổi thành ngày nghỉ theo thông báo của Văn phòng Chính phủ cho năm 2025, các SGDCK, TTLKCK không thực hiện giao dịch và hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch; không thực hiện thanh toán gốc, lãi công cụ nợ; không thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh.
- Đối với trường hợp hoán đổi ngày nghỉ thành ngày làm việc theo thông báo của Văn phòng Chính phủ cho năm 2025, các SGDCK, TTLKCK không thực hiện giao dịch, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trong những ngày đi làm bù nhưng TTLKCK vẫn thực hiện thanh toán đối với lãi/gốc công cụ nợ.
Tại Công văn 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hoán đổi ngày làm việc từ thứ Sáu ngày 02/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025 để dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 kéo 05 ngày liên tục từ thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Chủ nhật ngày 04/5/2025.
Như vậy, ngày nghỉ giao dịch chứng khoán lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 là từ thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Chủ nhật ngày 04/5/2025, đi làm bù vào thứ Bảy (ngày 26/4/2025).
Có giao dịch chứng khoán trong ngày đi làm bù lễ 30/4 và 1/5 không?
Như đã phân tích ở trên, đối với trường hợp hoán đổi ngày nghỉ thành ngày làm việc theo thông báo của Văn phòng Chính phủ cho năm 2025, các SGDCK, TTLKCK không thực hiện giao dịch, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trong những ngày đi làm bù nhưng TTLKCK vẫn thực hiện thanh toán đối với lãi/gốc công cụ nợ.
Do đó, trong ngày thứ Bảy đi làm bù (ngày 26/4/2025), sẽ không thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh nhưng vẫn thực hiện thanh toán đối với lãi/gốc công cụ nợ và gốc đối với tín phiếu.
Quy định về tổ chức giao dịch chứng khoán
- Sở giao dịch chứng khoán tổ chức giao dịch chứng khoán theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận theo nguyên tắc sau:
+ Phương thức khớp lệnh tập trung trên hệ thống giao dịch chứng khoán phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên về giá và thời gian;
+ Phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán được thực hiện theo nguyên tắc các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, thống nhất các nội dung giao dịch.
- Chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 120/2020/TT-BTC được giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán không bao gồm các trường hợp chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán được tổ chức các phiên giao dịch mua bắt buộc (buy in) thông qua hệ thống giao dịch chứng khoán.
- Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế giao dịch chứng khoán bao gồm các nội dung cơ bản sau: phương thức giao dịch; thời gian giao dịch; cách xác định giá tham chiếu; biên độ dao động giá chứng khoán; cơ chế ngắt mạch thị trường (nếu có); các loại lệnh giao dịch; việc sửa lệnh, hủy lệnh giao dịch; việc xác lập giao dịch và loại bỏ giao dịch chứng khoán; việc tạm ngừng giao dịch, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ giao dịch của một mã chứng khoán; việc công bố thông tin về kết quả giao dịch và các nội dung khác có liên quan.
(Điều 3 Thông tư 120/2020/TT-BTC)