(Nguồn: DownToEarth)
Ngày 5/6, Hội nghị tham vấn thường niên của Liên hợp quốc về khí hậu đã khai mạc tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng việc hội nghị diễn ra mà không có một chương trình nghị sự thống nhất có thể “phủ bóng đen” lên hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào cuối năm nay.
Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Bonn được lên kế hoạch tổ chức để thảo luận và hoàn tất các văn bản dự kiến đưa ra thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vào tháng 12 tới.
Sự kiện này được xem như “phép thử” về khả năng thành công của các cuộc đàm phán tại COP28.
Hội nghị tại Bonn diễn ra từ ngày 5-15/6, dự kiến quy tụ hơn 5.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia trên thế giới, thảo luận về các chính sách khí hậu, cũng như đánh giá tiến bộ tập thể của các quốc gia 5 năm vừa qua, lần đầu tiên kể từ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ban Bổ trợ về thực hiện (SBI) của Liên hợp quốc Nabeel Munir cho biết hội nghị khí hậu ở Bonn diễn ra không theo bất kỳ chương trình nghị sự nào được các cơ quan thường trực của COP đề xuất trước đó, mặc dù các bên đã có nhiều tháng thảo luận kể từ COP27 ở Ai Cập.
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nhấn mạnh đây là điều không mong muốn nhưng không phải hiếm xảy ra.
Tuy nhiên, ông đánh giá hội nghị lần này sẽ tiếp tục là tiền đề quan trọng, nơi 200 đại diện của nhiều quốc gia thiết lập nền tảng kỹ thuật cho các quyết định chính trị về khí hậu tại COP28.
Tại hội nghị COP27 diễn ra năm ngoái, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã nhất trí kêu gọi loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, các quốc gia như Saudi Arabia và Trung Quốc lại hối thúc Ai Cập loại bỏ đề xuất trên khỏi văn kiện cuối cùng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Stiell nhấn mạnh cần loại bỏ hoặc hạn chế việc sử dụng toàn bộ nhiên liệu hóa thạch nếu muốn giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.