Trẻ em sống cùng mẹ tại trại tị nạn dành cho những người mất nhà cửa do hạn hán và chiến tranh tại Aweil, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thế giới sẽ không thể phục hồi sau hàng loạt cuộc khủng hoảng nếu các nước nghèo nhất bị lãng quên.
Đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách các quốc gia kém phát triển nhất, bà Rabab Fatima, đã đưa ra nhận định này trước thềm Hội nghị lần thứ năm của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất dự kiến diễn ra từ ngày 5-9/3 tới tại Doha (Qatar).
Theo bà Rabab Fatima, khoảng 1,2 tỷ người ở 46 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới "có thể phải chịu gánh nặng nặng nề nhất" do tác động của đại dịch COVID-19, thảm họa khí hậu và cuộc xung đột tại Ukraine.
Bà cho rằng đại dịch COVID-19 đang làm thụt lùi 1 thập kỷ hoặc nhiều hơn nữa sự phát triển, đặc biệt là việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của các nước kém phát triển nhất.
Bà Rabab Fatima nhấn mạnh nếu muốn đảo ngược quá trình này và để đảm bảo rằng các nước có thể quay trở lại quỹ đạo nhằm đạt được các SDG, đặc biệt là trong thập kỷ hành động cuối cùng này, thế giới cần nỗ lực và đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa cho các quốc gia kém phát triển nhất thế giới này.
Năm 2015, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 SDG, trong đó có các mục tiêu như đạt được an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và quyền tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng.
Bà Rabab Fatima cảnh báo sẽ "không thể có sự phục hồi bền vững, không thể có Chương trình nghị sự 2030 để kỷ niệm vào năm 2030 nếu nhiều người ở những quốc gia nghèo nhất bị bỏ lại phía sau."
Do đó, bà hy vọng rằng các quốc gia tài trợ truyền thống sẽ mang đến Doha "những cam kết cụ thể."
Theo bà, thế giới cần hỗ trợ các nước kém phát triển nhất xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc như vậy trong tương lai.
Mục tiêu là nhằm xây dựng cấu trúc và năng lực của chính các quốc gia kém phát triển nhất để giúp những nước này giảm sự phụ thuộc vào viện trợ và nâng cao năng lực thương mại, đầu tư./.