
Từ xa xưa, người Ba Na xem phong tục kết nghĩa là sợi dây kết nối, biến người xa lạ thành người thân. Lễ kết nghĩa của người Ba Na được tiến hành hoàn toàn tự nguyện, mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa, thân thiết, đùm bọc, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.
Muốn kết nghĩa, người Ba Na thường xem tuổi. Nếu 2 người ngang tuổi thì làm lễ kết nghĩa anh em, bạn bè rồi xưng hô bằng “pố”. Nếu chênh lệch tuổi tác nhiều thì kết nghĩa thành cha con hoặc mẹ con.
Người Ba Na quan niệm, người trong cùng dòng họ, cộng đồng làng hoặc thậm chí trong vùng tuyệt đối không được đặt trùng tên nhau; nhưng nếu vô tình đặt tên giống nhau thì sẽ phải kết nghĩa làm cha (mẹ) con hoặc anh (chị) em tùy theo tuổi tác.
Người muốn trả ơn ai đó đã giúp đỡ mình vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn như ốm đau, nghèo túng, hay có thể là niềm ngưỡng mộ, quý mến nhau đều có thể kết nghĩa làm cha (mẹ) hoặc anh (chị) em, và phải có một lễ kết nghĩa để mọi người trong dòng tộc, cộng đồng công nhận. Khi làm lễ, trước sự chứng kiến của bà con, họ hàng, 2 người kết nghĩa sẽ buộc sợi chỉ đỏ hoặc trắng (brai pơtăh) vào cổ tay cho nhau thể hiện ý muốn gắn bó với nhau lâu dài.
Trước khi 2 người làm lễ kết nghĩa thì phải có thầy cúng làm lễ và anh em, họ hàng làm chứng. Thầy cúng sẽ hỏi kỹ 2 người, nếu thấy quý mến nhau thật, xem nhau như anh em ruột thì mới tiến hành làm lễ kết nghĩa.
Khi làm lễ, 2 người phải có những lời cam kết là không nói xấu, không nguyền rủa nhau, kể cả gia đình của nhau cho dù gặp bất kỳ hoàn cảnh, trường hợp nào. Ðặc biệt lúc ốm đau, hoạn nạn, họ luôn xem nhau là người nhà, là người thân thiết của mình cho nên lúc nào cũng có mặt động viên, an ủi, hỗ trợ nhau cả về tinh thần và vật chất.
Trong lễ kết nghĩa, người ta trao nhau những kỷ vật, đó có thể là chiếc vòng tay, vòng cườm hay chiếc áo, cái khố. Già làng là người tiến hành trao kỷ vật cho hai người. Vừa trao, già làng vừa căn dặn những điều hay lẽ phải, căn dặn những việc nên làm và những việc tuyệt đối không được thực hiện trong mối quan hệ giữa hai người, nếu không thần linh sẽ trừng phạt.
Ðể tổ chức buổi lễ Tơ Mon, ông Ðinh Thiên (huyện Cơ Bang, tỉnh Gia Lai), cho biết: “Lễ vật có gà với heo. Trong lễ kết nghĩa bố con nuôi, người bố góp con heo, người con là con gà và chai rượu. Lễ kết nghĩa anh em cũng vậy. Kết nghĩa anh em thì phải đi cúng bên nhà anh, kết nghĩa bố con thì phải cúng bên nhà bố”.
Khi thủ tục buổi lễ hoàn tất, những người kết nghĩa và già làng tiến vào nhà gia chủ chuẩn bị làm lễ. Trong không khí trang nghiêm ngồi bên mâm lễ vật, già làng cầu khấn thần linh về chứng. Khi lời khẩn cầu được các thần linh chấp thuận cũng là lúc hai người kết nghĩa cùng nhau uống ngụm rượu đầu tiên, sau đó đến già làng, bố mẹ hai bên, cuối cùng mới đến họ hàng, bạn bè cùng tất cả mọi người tham dự.
Ngày nay, việc kết nghĩa bố con có phần ít đi, phần vì nghi lễ khá rườm rà, tốn kém, cho nên chỉ có những người cùng tên mà thật quý mến nhau, hoặc không cùng tên nhưng có tình cảm đặc biệt với nhau thì mới kết nghĩa với nhau. Nhưng riêng tục kết nghĩa làm anh (chị) em vẫn còn khá nhiều.
Chỉ cần hai người thấy trân trọng, muốn gắn bó với nhau, không phân biệt tên họ, nam hay nữ, địa bàn hay dân tộc... họ đều có thể kết nghĩa với nhau. Nghi thức cũng đơn giản chỉ với một con gà, ghè rượu và vài người chứng kiến là họ đã có thể trở thành anh (chị) em với nhau...