Quan niệm tâm linh
Trong quan niệm của người M’nông, thần lúa là linh hồn của mọi vật, là vị thần đáng tôn thờ nhất. Người M’nông tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, ấm no...
Chuẩn bị nghi lễ
Các gia đình thường chuẩn bị từ 2 đến 7 ché rượu cần tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và nuôi gà hoặc heo chờ ngày lúa chín. Gần đến ngày thu hoạch lúa, những ché rượu cần quý nhất sẽ được xếp hàng dãy dọc giữa nhà. Những cây cần đã được làm thêm để tiếp nhiều khách đến thưởng thức. Bộ chiêng với nhiều kích cỡ cũng được đem ra kỳ cọ và đánh thử để kiểm tra âm thanh. Nếu gặp vụ mùa bội thu, có đến hàng trăm gùi lúa thì người M’nông còn làm thêm cả kèn r’lét, chuẩn bị hội đâm trâu để hiến tạ thần linh và ăn mừng.
Khi lúa chín, các nghi lễ cúng lúa sẽ rộn lên trong các gia đình. Từ lễ tuốt lúa đến cúng hồn lúa từ rẫy về kho sẽ được tổ chức nhộn nhịp. Nếu vụ lúa của chủ nhà nào chín rộ thì mọi người sẽ cùng đi tuốt hộ. Sau đó mỗi người ra tuốt một nắm lúa bỏ vào trong bồ gọi là rước lúa về nhà. Khách sẽ quay ra chúc chủ nhà những câu tốt lành, rồi chủ nhà mời tất cả ngồi xung quanh đống lửa ăn uống. Sau khi ăn uống xong, mọi người đánh chiêng, nhảy múa cho tới khuya, có khi thâu đêm suốt sáng.
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào M'nông tại xã Nâm Nung (Krông Nô) |
Trang trí kho lúa
Vào dịp tết mừng lúa mới, người M’nông sẽ trang trí kho lúa bằng các loại cây hoa, được làm từ những que tre vót thành nhiều cành tượng trưng hình bông lúa, gọi là “Hừn du”. Theo cách nghĩ mộc mạc của người M’nông, với cách trang trí này có thể hấp dẫn, lưu giữ hồn lúa ở trong kho. Lúa thu hoạch được chia làm ba: Một phần để ăn, một phần để sắm đồ đạc, một phần dành cho trâu bò cùng những con vật góp công cùng con người làm ra hạt lúa.
Đồng bào M’nông tuốt lúa khi vừa chín vàng, hay còn một chút màu xanh, luộc chín rồi phơi khô. Loại lúa này khi giã hạt gạo hơi nát nhưng hương vị thơm ngon. Bữa ăn cơm mới đầu tiên không nấu canh rau bầu bí mà phải ăn với những thức ăn như chim, cá, gà, heo và mời đông đủ bà con xóm làng tới dự. Đặc biệt, phải có ché rượu ủ gạo thật ngon để cúng thần lúa.
Phần lễ ăn cơm mới
Thường tổ chức vào bữa ăn tối, chủ nhà nấu một nồi cơm thật to, cứ tính mỗi hộ được mời phải được ăn một chén bầu (khoảng hai lon gạo). Trong làng có bao nhiêu hộ thì chủ nhà phải mời cho hết, vì nhớ ơn khi làm rẫy, làm nương nhờ bà con giúp đỡ mới có kết quả. Mời bà con ăn bữa cơm gạo mới để tỏ lòng biết ơn đã giúp gia đình khi trỉa lúa, dọn cỏ, tuốt lúa.
Khi bà con đã đến đông đủ, chủ nhà bưng một ché rượu đổ nước sẵn, hút ra một ít rượu đầu để cúng cơm, sau đó giết một con gà to lấy huyết bỏ vào chén bầu, hòa với rượu cần rồi đặt lên một cái nia ở trên sạp giường - nơi dọn cơm đãi khách. Dùng lá chuối tươi lót trên nia, đổ cơm, thịt gà vào và lấy một tô gạo có cắm đèn sáp ong, để cúng. Tất cả dụng cụ sản xuất có trong nhà như dao, rựa, rìu, cào cỏ... đều mang ra bỏ trên cái nia. Chủ nhà đặt trên lưỡi những dụng cụ đó một ít cơm, huyết heo, huyết gà, rượu cần tỏ ý thết đãi để đền ơn dụng cụ trước khi con người được ăn cơm mới. Có dụng cụ mới có nương rẫy xanh tươi, mang lại cuộc sống ấm no, do đó, dụng cụ lao động "ăn" trước, người ăn sau. Lúc đó chủ nhà và bà con tham dự khấn vái. Khấn vái xong, chủ nhà dọn cơm và thức ăn trên lá chuối tươi rồi mời bà con cùng ăn. Mỗi hộ thường chỉ một người thay mặt đến dự bữa. Những người không đi, chủ nhà lấy cho mỗi hộ một bầu cơm to và một ít thịt, cá gửi mang về làm quà để ai cũng được hưởng kết quả lao động. Ăn xong, chủ nhà mời bà con uống rượu cần. Trước khi uống rượu, chủ nhà lấy chút rượu cần và huyết gà phết vào kho lúa, bàn thờ, bếp để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình trong năm qua.