Ôn lại truyền thống hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc cách đây 50 năm, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh: Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân, dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, của ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Chiến thắng trận đầu khẳng định: Một dân tộc dù nhỏ nhưng luôn yêu chuộng tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, dù chúng có đông hơn, mạnh hơn nhiều lần; đó là chiến thắng của lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng trận đầu trở thành mốc son hết sức quan trọng đối với Hải quân nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, động viên các lực lượng trong toàn Quân chủng tiếp tục bước vào những trận chiến đấu mới, lập nên những chiến công mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hôm nay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh Qdnd.vn |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: 50 năm đã trôi qua, song bài học về chiến thắng trận đầu vẫn còn hết sức tươi mới, soi rọi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
“Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biển đảo luôn có tác động rất lớn đến sự ổn định, hòa bình của đất nước. Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, là tất cả, mất chủ quyền biển, đảo cũng đồng nghĩa với mất đi phần máu thịt, hương hỏa ông cha ta để lại, là chúng ta có tội với tổ tiên, có tội với lịch sử dân tộc Việt Nam”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ rõ: Đất nước ta, vươn ra biển và làm chủ vùng biển đã và đang trở thành một nhu cầu bức thiết, bởi đây là một phần trọng yếu của công cuộc đổi mới, một nội dung của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhưng đồng thời phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà Hải quân nhân dân là nòng cốt.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ cần nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền trên biển. Tỉnh táo, nhạy bén trước mọi diễn biến, kịp thời phát hiện những động thái mới, dự báo sớm ý đồ lấn chiếm biển, đảo của ta, xử lý đúng đối sách, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống, không để nước ngoài tạo cớ, can thiệp, gây xung đột vũ trang trên các vùng biển. Giữ vững môi trường hoà bình, nhưng đồng thời phải kiên quyết bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trước mắt, cần tập trung xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của Quân chủng. Duy trì tốt hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, đồng thời nhanh chóng làm chủ các loại vũ khí mới được trang bị và nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào cải tiến, sáng chế nâng cao hiệu quả của vũ khí trang bị. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tỉnh táo và kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, "phi chính trị hoá quân đội" của các thế lực thù địch. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh ven biển. Mỗi con tàu, mỗi hòn đảo, mỗi đài trạm hoạt động trên biển phải là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.