Lễ cúng mưa đầu mùa là một nghi lễ quan trọng và có ảnh hướng lớn đến đời sống tâm linh của người M’nông. Lễ cúng tạo mối quan hệ đoàn kết cộng đồng cùng thiên nhiên, là dịp để người dân trong bon chia sẻ, giúp đỡ nhau và cầu mong cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc đến với mỗi gia đình trong bon làng.
Lễ cúng bắt đầu bằng nghi lễ đặt quả bí kỳ nam trước nhà văn hóa cộng đồng |
Theo quan niệm của người M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần tổ chức lễ cúng cầu may, giải độc. Lễ cúng thường được tổ chức khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, sau lễ cúng mọi người không được đi khỏi bon làng trong 4 ngày.
Các lễ vật được sắp vào nia |
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức già làng đặt một quá bí kỳ nam tại cổng nhà văn hóa cộng đồng bon với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ vào bon hại dân làng. Tiếp đó, già làng lấy huyết heo bôi lên cây pubesem’blá đặt ở giữa nhà rông để mời thần linh về chứng giám.
Già làng tiến hành làm lễ cúng mưa đầu mùa |
Sau khi báo với các thần linh về dự lễ cúng mưa, già làng thông báo với bà con trong bon về lễ cúng mưa đầu mùa. Lễ vật của buổi lễ gồm: 1 ché rượu cần, một bát tiết heo, thịt heo, 5 quả trứng gà, 2 cục than, 3 củ nghệ, một khúc chuối mang hình tượng con voi được đặt vào chiếc nia bằng tre. Khi lễ vật được bày lên nia, già làng tiến hành lễ cúng cầu may: “Hỡi các thần siêu nhiên, các bệnh dịch, tai họa, bùa ngải, ma quỷ, xui xẻo xin đừng vào bon này, để bon làng có được sức khỏe để lao động sản xuất, trồng lúa, trồng đậu… được xanh tốt từ cơn mưa này. Từ nay về sau, kinh tế bon làng đầy đủ, no ấm, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, bon làng bình yên”.
Bon làng vào hội |
Nghi lễ kết thúc khi già làng mời con trai, con gái của bon làng đánh chiêng, múa hát mừng lễ hội. Kết thúc phần lễ, bon làng đã tổ chức phần hội với môn thi kéo co giữa các bon làng trong xã Đắk R’tíh.
Đông đảo người dân đã đến xem buổi lễ |