Lễ cúng dòng họ của người Mông ở Ðắk Ha

Minh Huyền| 09/09/2022 09:21

Với quan niệm dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, luôn giúp đỡ, cưu mang nhau, do đó, người Mông rất coi trọng dòng họ. Tục lệ cúng dòng họ (hay còn gọi lễ tu su, dù su, uô su, sâu su hoặc dù tàu) của đồng bào dân tộc Mông trong cả nước, cũng từ đó mà hình thành, lưu giữ và phát huy đến tận bây giờ.

ADQuảng cáo

Hiện nay, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), còn có hai họ Sùng và họ Hạng của người Mông còn giữ được lễ cúng dòng họ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 7 hay 17 hoặc 27/7 (âm lịch) là dòng họ Sùng lại tổ chức lễ cúng dòng họ. Còn họ Hạng thì được tổ chức vào ngày 9 hay 19 hoặc 29/9 (âm lịch).

Lễ vật chính của buổi cúng dòng họ gồm 1 con dao, 1 chiếc nỏ, 1 con gà, 2 gùi hoặc rổ lúa và ngô, 2 chén gạo, 2 quả trứng gà, rượu…

Cách thức tổ chức, lễ vật cúng của 2 dòng họ này cơ bản giống nhau. Đồ dùng để tổ chức lễ cúng gồm sợi chỉ đỏ, trắng dài khoảng 20-30 cm; cây sậy; cây “giang” (một loại cây thân đốt, có gai, lõi cây xốp)...

ADQuảng cáo

Lễ cúng thường được tổ chức 2 nơi: trong và ngoài nhà. Về phần lễ trong nhà: Thầy cúng là người trưởng họ hoặc người am hiểu bài cúng sẽ tiến hành làm lễ mời thần linh, tổ tiên về chứng giám. Sau đó, thầy cúng làm lễ xua đuổi cái xấu, các loại ma quỷ độc ác ra khỏi gia chủ và các hộ gia đình trong dòng họ. Qua đó, cầu mong cho các gia đình được mạnh khỏe, không bị đau ốm, gặp may mắn trong cuộc sống…

Thầy cúng dùng các sợi chỉ nối với nhau làm hàng rào ngăn cách mọi người trong nhà với cây "giang", sau đó thầy cúng kêu gọi và chém “pù su”

Sau khi làm lễ trong nhà xong sẽ tổ chức phần lễ ngoài nhà. Lúc này, thầy cúng và tất cả người trong dòng họ ra phía sau nhà chủ để làm lễ. Mọi người đứng thành một nhóm sát nhau, thầy cúng dùng cây “giang” có cuốn trên ngọn bằng các cây sậy để kêu gọi ma quỷ độc ác (“pù su” theo tiếng Mông) thường xuyên mang những điều xấu cho con người (như bệnh tật, ốm đau, tai nạn…) đến và thầy cúng dùng dao chém ma quỷ đậu trên lá cây sậy. Người phụ việc cho thầy cúng sẽ cầm chiếc nỏ bắn lên trời, với ý nghĩa là khi bị chém, "pù su" sẽ bay lên trời thoát thân nên bắn tên đuổi theo để tiêu diệt. Sau đó, mọi người tiến hành ăn uống, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Với giá trị đặc biệt, Lễ cúng dòng họ của người Mông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cúng dòng họ của người Mông ở Ðắk Ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO