Lễ cấp sắc – Nghi thức trưởng thành thiêng liêng của người Dao đỏ
Tiếng thanh la, tiếng trống rộn rã hòa cùng tiếng khấn nguyện trầm ấm, người đàn ông Dao đỏ Triệu Phụ Tố và con trai, thôn Đắk Ri, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông) trong trang phục truyền thống thành kính thực hiện các nghi thức thiêng liêng của lễ cấp sắc.
Bước chuyển mình trong ánh đèn thiêng
Màn đêm yên tĩnh khuấy động, căn nhà của gia đình anh Triệu Phụ Tố rực sáng bởi ánh đèn. Từng đoàn người trong thôn và những vị khách từ các xã lân cận tụ họp chứng kiến lễ cấp sắc.
Tiếng tù và, tiếng kèn, tiếng thanh la, tiếng trống vang lên từng nhịp đều đặn, tạo nên bầu không khí thiêng liêng và trang trọng. Anh Triệu Phụ Tố, 33 tuổi, đứng giữa nhà, mặc bộ lễ phục truyền thống, trên người khoác áo dài đen viền đỏ, đội mũ, dấu hiệu của một người trưởng thành được thừa nhận. Bên cạnh, con trai Đặng Hữu Chiến (lấy theo họ mẹ), 14 tuổi trong bộ áo lễ nhỏ hơn, ánh mắt ánh lên niềm tự hào. Đây là lần đầu tiên trong gia đình có một nghi lễ kép, khi cả cha và con cùng tham gia lễ cấp sắc 3 đèn, một nghi thức phức tạp và đầy thử thách.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ được chia làm nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Mỗi bậc tượng trưng cho một cấp độ khác nhau về đạo đức và trách nhiệm. Với lễ cấp sắc 12 đèn, người đàn ông sau khi hoàn thành nghi thức được công nhận là trưởng thành toàn diện, có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các hoạt động tâm linh và xã hội của cộng đồng.
Trong buổi lễ, anh Triệu Phụ Tố và con trai phải thực hiện nhiều nghi thức kéo dài suốt đêm. Những bước nhảy, động tác cúi lạy và lời khấn cầu được thực hiện dưới sự dẫn dắt của các thầy cúng - những người giữ vai trò truyền đạt và kết nối với thế giới tâm linh.
"Đèn" ở đây không chỉ mang nghĩa đen mà còn tượng trưng cho ánh sáng tri thức, sự sáng suốt và đạo đức của con người. Khi hoàn tất nghi lễ, người được cấp sắc nhận 3 ngọn đèn tượng trưng, đánh dấu sự trưởng thành và vai trò chính thức của họ trong cộng đồng.
Chị Đặng Thị Thái, vợ của anh Tố chia sẻ rằng từ thời cha ông, lễ cấp sắc đã được xem là một sự kiện lớn trong đời sống của người Dao đỏ. Vì thế, dù hoàn cảnh có thay đổi, những gia đình người Dao đỏ vẫn giữ trọn vẹn nghi lễ này cho các thế hệ sau.
“Ngày trước, nếu một người đàn ông không trải qua lễ cấp sắc thì không được coi là trưởng thành, không thể đảm nhiệm các công việc tâm linh quan trọng như cúng bái tổ tiên, bảo vệ sự yên bình của làng. Để làm lễ này, gia đình chuẩn bị từ rất sớm, từ việc nuôi heo, chuẩn bị trang phục và mời thầy cúng, họ hàng, bạn bè đến tham dự”, chị Thái nói với giọng tự hào.
Lễ cấp sắc là một nghi lễ tâm linh quan trọng của người Dao, đánh dấu bước chuyển từ thiếu niên sang trưởng thành của nam giới. Trong lễ, thầy cúng thực hiện các nghi thức thiêng liêng như đọc kinh, tẩy uế, mời thần linh và tổ tiên…
Sau khi hoàn thành lễ cấp sắc, người con trai sẽ được đặt tên âm và được tổ tiên công nhận là người trưởng thành. Theo quan niệm người Dao đỏ, việc có tên âm giúp người con trai được tổ tiên che chở và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Họ tin rằng, lễ cấp sắc là một nghi thức quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo đảm sự thịnh vượng cho gia đình.
Mang tính giáo dục sâu sắc
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ không chỉ là một nghi lễ trưởng thành mà còn mang tính giáo dục đối với thế hệ trẻ trong cộng đồng. Đây là nghi thức thiêng liêng, đánh dấu sự chuyển biến từ một cậu bé thành người đàn ông thực thụ, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Trong suốt quá trình diễn ra lễ cấp sắc, các nam thanh niên được giáo dục về đạo đức, cách ứng xử, những giá trị cốt lõi của dân tộc, nhắc nhở về nguồn cội, những giá trị mà ông, cha đã gìn giữ qua bao đời. Gia đình anh Triệu Phụ Tố đã trải qua một thời gian dài chuẩn bị để thực hiện nghi lễ này. Anh phải học thuộc lòng những bài kinh, bài cúng với nội dung dạy về lòng hiếu thảo, biết tôn trọng người lớn tuổi và sống hòa thuận với mọi người xung quanh.
Đối với cậu bé Đặng Hữu Chiến, đây không chỉ là một buổi lễ để chứng tỏ mình đã trưởng thành, mà còn là cơ hội để học hỏi và tiếp thu những bài học đạo đức quan trọng. Em Chiến được cha mình và các thầy cúng trong làng dạy cách ứng xử, lòng hiếu thảo và cách gìn giữ các nghi thức cúng bái, một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ. Qua đó, chàng trai trẻ ý thức hơn về vai trò, vị trí của mình trong cộng đồng. Đồng thời tiếp nhận những tri thức văn hóa truyền thống để bảo tồn và phát huy trong tương lai.
“Lúc làm lễ đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng thành kính và kiến thức về văn hóa dân tộc. Tôi mong muốn con trai mình sau này sẽ giữ gìn những gì đã học được từ lễ cấp sắc”, anh Triệu Phụ Tố nói khi nghi thức dần bước vào những phần cuối.
Lễ cấp sắc kết thúc khi trời hửng sáng. Tiếng trống ngừng lại, những lời khấn nguyện cũng dần lắng xuống. Anh Tố và con trai cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên, chính thức nhận 3 ngọn đèn – biểu tượng của sự trưởng thành và trách nhiệm. Trong ánh nhìn tự hào của mọi người, Triệu Phụ Tố biết rằng không chỉ bản thân anh mà cả con trai mình đã bước qua một cột mốc mới trong cuộc đời.
Tính giáo dục của lễ cấp sắc không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng tới toàn thể cộng đồng, giúp nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, gắn bó và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ.
Lễ cấp sắc là nơi các thế hệ trong cộng đồng gặp gỡ và gắn kết với nhau. Những người cao tuổi kể lại câu chuyện của các nghi lễ xưa, trong khi người trẻ hào hứng chia sẻ những ước mơ, khát vọng của mình. Không chỉ là một lễ hội, cấp sắc còn là cơ hội để cộng đồng người Dao đỏ củng cố tình đoàn kết, cùng nhau duy trì và phát triển văn hóa truyền thống.
Lễ cấp sắc không chỉ là nghi lễ cá nhân mà còn là sự kiện quan trọng của cả cộng đồng. Các gia đình có thể cùng nhau tổ chức lễ cấp sắc cho nhiều người trong cùng một dòng họ. Cộng đồng làng xóm, họ hàng, bạn bè tham gia vào tổ chức và chia vui với gia đình tạo nên không khí ấm cúng và đoàn kết.