Lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Không thể chậm trễ hơn!

Trung Anh| 02/02/2023 10:42

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân cũng đã trôi qua được gần 1/3. Do đó việc sớm ban hành kế hoạch, triển khai tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhân dân là không thể chậm trễ hơn nữa.

ADQuảng cáo
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Ảnh minh hoạ

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Vì đây không chỉ là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai mà nó có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác...

Từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội, trong nhiều kỳ họp, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai đều được nêu trước nghị trường. Đến nay, Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, bởi độ phức tạp, nhạy cảm, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ở nước ta, ngoài Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, chỉ có Luật Đất đai được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với một kế hoạch riêng.

ADQuảng cáo

Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc ngày 15/3/2023. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý...

Tại cuộc họp ngày 27/1 vừa qua do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường thông tin, đến nay mới có 2 bộ và 10 tỉnh ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về nội dung trên. Điều này có nghĩa là thời gian lấy ý kiến đã trôi qua được 1 tháng mà hầu như mọi việc vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu.

Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện, tức là cần sớm có kế hoạch và triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến phải khẩn trương, đúng đối tượng, thực chất… Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu, ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai…

Với tính chất, tầm quan trọng như vậy, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị liên quan cần khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhân dân. Đây là việc không thể chậm trễ hơn nữa. Trong quá trình đó, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố… cần có kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác này tại cơ sở để phát huy quyền làm chủ cao nhất của Nhân dân.

ADQuảng cáo
Theo dangcongsan.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Không thể chậm trễ hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO