Lấy ý kiến đóng góp Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi)

Phan Tân| 06/10/2021 17:19

Hội nghị lấy ý kiến được Đoàn ĐĐQH tỉnh tổ chức chiều 6/10 để chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, với sự chủ trì của đồng chí Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Luật Thi đua-Khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004. Luật đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2013. Sau 17 năm thực hiện, luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên quá trình thực hiện, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên việc sửa đổi để phù hợp với thực tế là hết sức cần thiết.

Dự án Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương và 100 điều (giảm 3 điều so với luật hiện hành). Dự án luật sửa đổi và điều chỉnh 79 điều; có 11 điều luật hiện hành bị bãi bỏ, trong đó có 2 điều bỏ hoàn toàn; 9 điều khác được gộp lại nhằm giảm bớt các điều không còn phù hợp, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất. Dự án luật có 7 điều mới, trong đó có 2 điều mới hoàn toàn và 5 điều mới do tách ra từ các điều của luật hiện hành...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung đóng góp ý kiến vào dự thảo luật

Cùng với cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi, bổ sung, một số ý kiến cho rằng, luật cần quy định rõ hơn về điều kiện để xét thành tích xuất sắc của tập thể, cá nhân, tránh sự chồng chéo, nhường nhau làm mất động lực thi đua. Đối tượng lao động trực tiếp khi được khen thưởng không nên yêu cầu phải có sáng kiến.

Dự án luật quy định điều kiện tiêu chuẩn để xét các danh hiệu thi đua có tính kế thừa sẽ diễn ra việc nhường nhau để cá nhân tích lũy thành tích để đạt thành tích cao hơn, dẫn tới các phong trào thi đua chỉ mang tính hình thức, sự tham gia của cá nhân không mang tính hiệu quả cao. Việc quy định thành tích liên tục nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, làm giảm tính phấn đấu của người lao động.

Do đó, luật nên xây dựng quy định khen thưởng cụ thể về các tiêu chí thi đua mà không mang tính kế thừa. Đối với các hình thức khen thưởng cấp cơ sở cần quy định rõ cá nhân phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” phải quy định cụ thể điều kiện tiêu chuẩn chung để thực hiện. Nếu mỗi đơn vị, địa phương tự xây dựng đối tượng, tiêu chuẩn riêng để xét tặng thì không có sự thống nhất chung.

Đồng chí Dương Khắc Mai, Phó Trưởng  đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu

Dự án luật cần quy định rõ mức đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội để khen thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nhân, tập thể, doanh nghiệp, không để tiêu chí chung chung, như vậy địa phương khó xác định và thực hiện…

Luận cần sửa đổi, bỏ tiêu chuẩn 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” của tiêu chuẩn đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với tập thể…

Đồng chí Dương Khắc Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến của đại biểu, đoàn sẽ tổng hợp, phân loại đầy đủ gửi đến ban soạn thảo và phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tới.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/hoat-dong-quoc-hoi-hdnd/lay-y-kien-dong-gop-luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-89418.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/hoat-dong-quoc-hoi-hdnd/lay-y-kien-dong-gop-luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-89418.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lấy ý kiến đóng góp Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO