Hồ tiêu là sản phẩm nông nghiệp chủ lực đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý |
Hiệu quả từ thực tiễn
Đắk Nông hiện có 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều), 4 sản phẩm nông nghiệp tiềm năng và 16 sản phẩm chủ lực cấp huyện, thành phố.
Từ năm 2018 tới nay, tỉnh đã tập trung rà soát lại quy mô, điều kiện canh tác và tổ chức sản xuất bền vững các loại cây trồng chủ lực. Diện tích sản xuất cây trồng chủ lực nhờ đó đã có bước điều chỉnh hợp lý hơn.
Đồ họa: Thùy Dương - Lê Dung |
Năng suất, sản lượng, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được nâng cao so với giai đoạn trước. Nông sản chủ lực của tỉnh cũng từng bước được tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.
Hạ tầng cũng như chính sách phát triển cây trồng chủ lực được tỉnh đầu tư, hỗ trợ đúng mức, nhất là một số giải pháp về ứng dụng KHCN như: sử dụng giống mới, ứng dụng công nghệ cao, canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt…
Hạt điều- một trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh |
Chỉ riêng 2 cây trồng chủ lực là cà phê và hồ tiêu, toàn tỉnh đã có khoảng 60.000 ha được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần công nghệ cao trong sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Trong đó, cà phê có hơn 47.000 ha; hồ tiêu hơn 12.500 ha được ứng dụng KHCN vào sản xuất. Tỉnh đã xây dựng được 2 vùng sản xuất hồ tiêu, 1 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao.
Toàn tỉnh đang có gần 5.000 ha cây trồng được áp dụng tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ cao như: tưới phun mưa, tưới tiên tiến tiết kiệm nước… Ứng dụng công nghệ đã giúp tiết kiệm được 50-70% lượng nước; giảm từ 20-25% lượng phân bón; giảm chi phí từ 70-80%; tăng năng suất, giá trị từ 25-30%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm từ 15-20%; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 10%; giảm mức độ thiệt hại sản xuất từ 25-30%; tăng thu nhập khoảng 40%... |
Thực hiện sản xuất an toàn, đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 21.500 ha diện tích sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận theo các tiêu chí sản xuất; khoảng 50.000 ha cây trồng được áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
Các sản phẩm chủ lực và tiềm năng đều được đưa vào danh mục xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP trong giai đoạn tới.
Bơ là một trong những sản phẩm tiềm năng của tỉnh trong thời gian tới |
Tính toán giải pháp dài hơi
Thực tế hiện nay cho thấy, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng của tỉnh Đắk Nông đang có dư địa lớn để xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, giá trị gia tăng, nhất là thương hiệu nông sản, vẫn chưa định hình rõ nét trên các thị trường.
Trong khi đó, một số sản phẩm chủ lực của các địa phương như: bơ, sầu riêng, chanh dây... lại đang có sự phát triển mạnh cả về diện tích, sản lượng. Vì vậy, việc lựa chọn một số sản phẩm chủ lực mới theo phương thức canh tác mới sẽ tạo ra giá trị vượt trội so với các sản phẩm hiện nay.
Đồ họa: Thùy Dương - Lê Dung |
Theo tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, KHCN được xem là khâu đột phá, tạo động lực tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Thế nhưng, ở Đắk Nông và nhiều tỉnh khác lại chưa phát huy hiệu quả về KHCN, nhất là ở khâu giống, bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm. Việc liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa còn hạn chế.
Đồ họa: Thùy Dương - Lê Dung |
Do đó, việc ứng dụng KHCN, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn là vấn đề quan trọng trong hiện đại hóa nông nghiệp và cần phải tính toán một cách hợp lý, dài hơi.
Trong bối cảnh hội nhập, để giá trị nông sản được gia tăng, các sản phẩm phải tham gia được chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. "Điều này đòi hỏi trong quá trình canh tác và kể cả sau thu hoạch cần phải được ứng dụng KHCN hợp lý. Hàm lượng khoa học càng cao, giá trị sản phẩm càng tăng", tiến sĩ Cường chia sẻ.