Lấy giá trị văn hóa làm nền tảng du lịch

TƯỜNG MINH| 19/02/2025 21:37

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch đã thể hiện tầm nhìn, tính chiến lược, là cơ sở pháp lý để phát triển ngành du lịch Việt Nam, trong đó có ngành du lịch địa bàn chiến lược Tây Nguyên, xứng tầm với tiềm năng thế mạnh.

Về sản phẩm du lịch, Quy hoạch nêu rõ phát triển ba nhóm sản phẩm: Du lịch biển đảo; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái gắn liền với du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch đô thị kết hợp với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra, các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới đáp ứng nhu cầu của du khách như: du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch giáo dục; du lịch du thuyền. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng, các địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo dựng thương hiệu du lịch vùng.

Về tổ chức không gian phát triển du lịch, Quy hoạch lần này được định hướng chi tiết xác định sáu vùng du lịch tương ứng phù hợp với phân vùng kinh tế, xã hội của Quy hoạch tổng thể quốc gia; đồng thời định hướng phát triển từng vùng du lịch qua thế mạnh tài nguyên, hệ thống, hạ tầng kỹ thuật và xác định từng tiểu vùng, cụm đô thị, trung tâm dịch vụ cho từng vùng. Đã hoạch định ba trục tăng trưởng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; tám khu vực động lực; năm hành lang du lịch chính; 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống 61 khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Nội dung trong Quy hoạch đã cập nhật, xứng tầm với các định hướng phát triển mang tính thời gian, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, gồm các xu hướng Việt Nam đang quyết tâm phát triển đến mức cao nhất. Qua đó, định hình rõ các tương quan, thể hiện rõ quan điểm, định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam: Chất lượng, hiệu quả, bền vững, toàn diện, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trọng tâm. Quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó tôn trọng văn hóa bản địa của địa phương để phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Coi nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hội nhập, nâng tầm cạnh tranh với khu vực và trên thế giới.

Quy hoạch du lịch lần này cơ bản giải quyết những nhu cầu thực tiễn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được bất cập; bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, những tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Với 10 nhóm giải pháp cụ thể, Quy hoạch hệ thống du lịch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai thực hiện góp phần đưa ngành du lịch Việt Nam trong đó có Tây Nguyên, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và hiệu quả ■

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/lay-gia-tri-van-hoa-lam-nen-tang-du-lich-post860698.html
Copy Link
https://nhandan.vn/lay-gia-tri-van-hoa-lam-nen-tang-du-lich-post860698.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lấy giá trị văn hóa làm nền tảng du lịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO