Lập quy hoạch phải đúng chuẩn, chất lượng, tránh chồng chéo

Nguyễn Lương| 29/10/2021 10:15

Những năm qua, vấn đề quy hoạch tại tỉnh Đắk Nông còn những hạn chế, bất cập, gây nhiều khó khăn cho người dân, lẫn chính quyền cơ sở. Việc lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2050 được xem là cơ sở để đánh giá hiện trạng. Đây là tiền đề để công tác quy hoạch của tỉnh được thực hiện chặt chẽ, chất lượng hơn.

ADQuảng cáo

Nhiều nội dung đã quy hoạch nhưng không còn phù hợp

Hiện nay, địa bàn thành phố Gia Nghĩa đã, đang tồn tại nhiều đồ án quy hoạch chồng chéo, không bám sát thực tế tại địa phương. Đơn cử như năm 2018, UBND thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố) đã rà soát, điều chỉnh, ban hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ở một số khu vực. Điều này tạo thuận lợi cho nhiều người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, tháng 4/2021, Sở Xây dựng công bố về việc phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh. Phân khu với tổng diện tích 1.715,4 ha kèm theo Quyết định 387/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Với quy hoạch này, toàn phường Nghĩa Phú có hơn 1.000 ha nằm trong quy hoạch Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh. Từ đây, nhiều vấn đề bất cập trong quy hoạch nảy sinh. Đơn cử lấy quy hoạch 1/2000 mới ban hành đối chiếu với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch sử dụng đất 1/500 đã được phê duyệt trước đó có sự chồng chéo. Quy hoạch sau “đè” lên quy hoạch trước.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho rằng, hiện nay quy hoạch Đắk Nông đang tồn tại chồng chéo, bất hợp lý. Ví dụ như về quy hoạch sử dụng đất, Đắk Nông định hướng khu vực này dành để sản xuất rừng, nhưng ngành công nghiệp lại xác định đó là vùng để khai thác nguyên liệu bô xít. Đến khi 2 lĩnh vực đưa ra thực thi lại chồng chéo nhau.

Đối với quy hoạch 3 loại rừng đó là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất cũng vậy. Trong quy hoạch là thế, tuy nhiên, trong thực tế, người dân đang sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất. “Làm sao để dung hòa và chuyển được đất của người dân sản xuất sang đất lâm nghiệp hoặc công nghiệp đó là vấn đề cần phải giải quyết”, Tiến sĩ Uyên cho biết.

Một góc đô thị Gia Nghĩa

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, công tác lập quy hoạch nói chung và một số ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng có tính khả thi thấp. Quy hoạch còn chồng chéo, chưa phù hợp với xu hướng vận hành của kinh tế thị trường, nguồn lực thực hiện.

Công tác dự báo của quy hoạch chưa chính xác. Mô hình dự báo quá lạc quan, dẫn đến các chỉ tiêu đề ra quá cao, không thể thực hiện. Một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp do điều kiện thực tế thay đổi nhưng chậm được điều chỉnh.

Còn thiếu kết nối, bổ trợ

Thực tế, trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã, đang tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng. Nguyên nhân một phần là do trước đây, tỉnh lập quy hoạch từng ngành riêng lẻ, sau đó hợp lại thành quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Điều này mang tính khả thi không cao. “Cứ mỗi một ngành làm 1 bản quy hoạch, sau đó thông qua bộ, ngành chủ quản. Trong quá trình lập quy hoạch không có sự trao đổi, thống nhất. Đến khi thực thi mệnh ông nào ông ấy triển khai. Do vậy, không thể nào tránh khỏi sự chồng chéo”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên cho biết.

ADQuảng cáo

Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Trưởng Phòng Quy hoạch II, Viện Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng chung quan điểm. Việc đề ra động lực cho sự phát triển với 3 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch được Đắk Nông định hướng rất sát. Tuy nhiên vấn đề thu hút đầu tư trong quá trình triển khai nhiều hạn chế là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch. “Cứ mỗi ngành triển khai một kiểu sẽ không khi nào tạo được một cái tổng thể, đặc trưng riêng của Đắk Nông được. Trong khi đó, đối với quy hoạch yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Tất cả phải bổ trợ lẫn nhau, kết nối với nhau để nâng hiệu quả trong quy hoạch”, Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong nhấn mạnh.

Quy hoạch đúng chuẩn, chất lượng

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 7/7/2020. Quy hoạch được triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư.

Tại hội nghị báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra ngày 21/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung khẳng định, quy hoạch Đắk Nông giai đoạn tới đây có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là căn cứ pháp lý để địa phương hoạch định các chính sách phát triển, điều hành với chính quyền cấp cơ sở. Do vậy, việc lập quy hoạch phải chặt chẽ, khắc phục được những hạn chế trong quy hoạch trước đây. Đối với các sở, ngành, đơn vị thuộc lĩnh vực nào phải chú trọng tư vấn, định hướng, góp ý chặt chẽ vào lĩnh vực đó trong quy hoạch chung của tỉnh.

Trao đổi về hướng khắc phục trong lập quy hoạch giai đoạn tới, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết, để khắc phục sự chồng lấn, bất hợp lý trong quy hoạch, chưa đồng bộ, Đắk Nông cần làm quy hoạch tích hợp. Nghĩa là tổng hợp quy hoạch tất cả các ngành, lĩnh vực. Tất cả nội dung quy hoạch riêng lẻ trước đây thành một quy hoạch tổng thể, tạo sự đồng bộ, khả thi.

Trong hội nghị báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, trước ngày 10/3/2022, tỉnh phải hoàn thành hồ sơ dự thảo quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2022.

Công việc rất nhiều, thời gian cập rập, các sở, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện. Nhiệm vụ như thế nào, phân công cho ai phải được các đơn vị gắn rõ thời gian cho từng bộ phận triển khai.

Đơn vị nào để xảy ra chậm trễ trong vấn đề lập quy hoạch của ngành mình phải kiểm điểm trách nhiệm. Từng sở chuyên ngành, địa phương không phó mặc cho đơn vị tư vấn trong vấn đề quy hoạch.

Về phía các đơn vị tư vấn phải đi thực tế từng địa phương, từng ngành để có cái nhìn tổng thể, bao quát. Từ đây, đưa ra những tư vấn, định hướng phù hợp và mang tính khả thi cho tỉnh Đắk Nông.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định, lập quy hoạch Đắk Nông phải đúng chuẩn, chất lượng tránh sự chồng chéo. Để làm được điều này, việc lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, tạo sự khác biệt, đột phá trong tương lai. Lập quy hoạch phải phản ánh đầy đủ các điều kiện, yếu tố dự báo xu hướng, bối cảnh, cũng như đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng hợp tác với các địa phương. Từ đây, phát huy vai trò, vị thế, tiềm năng của tỉnh Đắk Nông là cửa ngõ Tây Nguyên, kết nối vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ…

Ngày 27/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Nghị quyết số 119/NQ-CP nêu rõ, việc ban hành Luật Quy hoạch và sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch đã tạo dựng khung pháp lý đổi mới, đồng bộ, thống nhất để các cấp, ngành triển khai công tác quy hoạch có hiệu lực và hiệu quả. Quy hoạch tốt góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quản lý Nhà nước theo hướng kiến tạo và phục vụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập quy hoạch phải đúng chuẩn, chất lượng, tránh chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO