Lập nghiệp với nghề ươm rau giống

Linh thư| 04/09/2022 05:22

Kiên trì, chịu khó, anh Ngô Minh Lâm, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất rau giống đem lại thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lâm theo học ngành Thiết kế cảnh quan, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, năm 2017, khi đang học năm 4, vì biến cố gia đình, Lâm phải tạm dừng việc học để về nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế.

Trong thời gian phụ gia đình làm kinh tế, Lâm nhận thấy được những giá trị từ lĩnh vực nông nghiệp nhưng tỉnh Đắk Nông chưa có. Dần tích lũy được kinh nghiệm nên Lâm nung nấu, có ý tưởng khởi nghiệp từ nghề nông.

Gia đình Lâm làm nghề bán rau giống nên hay nhập mua rau từ các vườn ươm, nguồn cung, chất lượng nhiều khi không ổn định, tốn nhiều chi phí. Do đó, Lâm đã quyết định thử sức bản thân để học hỏi, đầu tư vốn tự sản xuất rau giống. Năm 2018, từ nguồn vốn của gia đình, Lâm đã đầu tư xây dựng hơn 1.000m2 nhà lưới tại tổ dân phố 3, phường Nghĩa Phú để làm vườn rau giống.

Anh Ngô Minh Lâm đã đầu tư, làm mới thêm 3.000m2 nhà lưới để sản xuất rau giống tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa)

Chưa có kinh nghiệm, Lâm đã phải đi sang Lâm Đồng học hỏi, tìm hiểu kiến thức qua internet, sách vở cùng những kiến thức học được thời đại học để thử nghiệm, áp dụng trong thực tế. Chàng trai trẻ đã phải loay hoay tự hàn từng thanh sắt để làm nhà lưới, học cách xử lý đất, đặt mua hạt giống tại nhiều nơi, trồng thử nghiệm để tìm nguồn cung cấp chất lượng, uy tín.

Thời gian đầu, Lâm gặp nhiều khó khăn như chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, rau giống bị sâu bệnh. Nhờ kiên trì, chịu khó, Lâm đã cố gắng khắc phục các khó khăn, hoàn thiện quy trình để tìm ra được cách sản xuất rau giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị thường.

Lâm đã nghiên cứu, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng máy móc để trộn đất, ươm hạt giống, tưới nước… để tiết kiệm chi phí sản xuất, tốn ít công lao động, cho ra được những cây rau giống chất lượng, hiệu quả.

Lâm đã có nguồn thu nhập ổn định từ nghề ươm rau giống và tạo công ăn việc làm cho 4 lao động địa phương

Theo Lâm, nghề ươm rau giống đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ lúc làm đất, xuống giống cho đến khi xuất bán. Đất ươm rau được cho vào máy để nghiền nhỏ, mịn, tơi xốp trước khi cho vào khay ươm. Hạt giống phải lấy tại nguồn cung cấp giống uy tín, bảo đảm chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao, chống được sâu bệnh… Khi ươm giống, phải thường xuyên chăm sóc, tỉ mỉ từng công đoạn như tưới nước giữ ẩm, bón phân, theo dõi phòng trừ sâu bệnh…

Thông thường, rau giống sau khi ươm khoảng 25 ngày có thể xuất bán. Vườn của Lâm ươm nhiều loại rau khác nhau theo mùa và nhu cầu của thị trường như: xà lách, cải ngọt, cà chua, mồng tơi, su hào… Trung bình, mỗi ngày, vườn ươm rau giống của Lâm cung cấp sỉ và lẻ khoảng 200 khay rau giống (khoảng 20.000 cây rau giống) ra thị trường.

Từ hiệu quả kinh tế của vườn ươm, đầu năm 2022, Lâm đã đầu tư, làm mới thêm 3.000m2 nhà lưới tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) để mở rộng quy mô sản xuất.

Nhờ dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, chàng trai trẻ Ngô Minh Lâm đã gặt hái được những trái ngọt với thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng từ nghề ươm rau giống. Lâm cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương với mức lương tầm 7 triệu đồng/tháng.

Lâm cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình vườn ươm rau giống để mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ bán rau giống, tôi đang nghiên cứu, mở rộng sang trồng rau và cà chua thành phẩm để bán cho người tiêu dùng, góp phần đa dạng nguồn hàng, tăng thêm thu nhập gia đình”.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/khoi-nghiep/lap-nghiep-voi-nghe-uom-rau-giong-94813.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/khoi-nghiep/lap-nghiep-voi-nghe-uom-rau-giong-94813.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lập nghiệp với nghề ươm rau giống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO