Các sản phẩm thuốc lá điện tử được quảng cáo trên các nền tảng xã hội tại Lào. (Ảnh: Trịnh Dũng) |
Thứ trưởng Y tế Lào Sanong Thongsana cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ của nước này đang có chiều hướng gia tăng.
Theo ông Sanong, để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử đối với giới trẻ, cần tăng cường truyên truyền, nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, cần kêu gọi người dân nâng cao nhận thức về tác hại của sử dụng thuốc lá nói chung, không hút thuốc lá để giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe cũng như môi trường.
Để khuyến khích người dân không sử dụng thuốc lá, Lào đưa ra thông điệp “Trồng cây ăn trái thay vì hút thuốc lá” và chọn làm chủ đề chính để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Về tác hại của thuốc lá điện tử, theo các chuyên gia, nếu sử dụng liên tục và thường xuyên có thể gây nghiện, làm tổn thương phổi không thể phục hồi, hoặc gặp các bệnh liên quan tim mạch, đột quỵ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thông thường, thậm chí tử vong.
Kể từ khi Lào phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO từ ngày 6/9/2008 đến nay, nước này đã thông qua luật, văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở trong tổ chức thực hiện kiểm soát thuốc lá. Cùng với đó, các hoạt động trong Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Lào triển khai thực hiện tích cực và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Trong khu vực ASEAN hiện đã có 5 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, gồm: Lào, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia.