Nguồn lao động dồi dào
Bà Đặng Thị Uyên Linh, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Trung Minh Thành (TP. HCM) dự định đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại tỉnh Đắk Nông sau khi dành nhiều thời gian tìm hiểu về thuận lợi và thế mạnh của địa phương.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối, chế biến thực phẩm nên bà Linh hy vọng, khi đầu tư vào Đắk Nông, doanh nghiệp sẽ gặt hái được thành công, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Đánh giá về thị trường lao động của tỉnh Đắk Nông, bà Đặng Thị Uyên Linh cho rằng, nguồn lao động trẻ, dồi dào, chịu khó và nhu cầu làm việc lớn, cơ bản đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến nông sản, doanh nghiệp đã lên kế hoạch tuyển dụng những lao động phổ thông vào làm việc.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, nguồn lao động của Đắk Nông là một trong những yếu tố góp phần thu hút đầu tư |
“Đầu vào là lao động phổ thông, chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc trình độ sơ cấp, trung cấp, bởi đây là đối tượng lao động chiếm tỷ lệ lớn tại tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chúng tôi sẽ bồi dưỡng thêm kiến thức, nâng cao tay nghề cho người lao động để việc sản xuất được ổn định, bền vững”, bà Uyên Linh cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển dự án Công ty Cổ phần điện mặt trời Buôn Tua Srah (Tập đoàn Golf Long Thành) cho rằng, nguồn lao động tại chỗ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của công ty. Hiện tại, đơn vị đang xin chủ trương đầu tư, nếu được tỉnh chấp thuận, doanh nghiệp sẽ giải quyết được việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong thời gian hơn 1 năm. Khi đưa dự án vào vận hành chính thức, doanh nghiệp có thể giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 100 người.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (bên trái) cho rằng, nguồn lao động tại chỗ của Đắk Nông cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Trước khi xin chủ trương đầu tư, chúng tôi đã rà soát những thế mạnh, điều kiện sẵn có của địa phương, trong đó có nguồn nhân lực. Đối với ngành sản xuất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu như điện mặt trời thì đầu tư vào tỉnh Đắk Nông cũng là cách giúp tỉnh thu hút được người lao động có trình độ cao về làm việc”.
Bổ sung nhân lực chất lượng cao
Bà Phạm Thị Ánh, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Thủy điện Đắk R’tíh cho biết, công ty đang có hơn 100 lao động làm việc. Nhìn lại hơn 10 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực rõ ràng đã được nâng lên, lao động chất lượng cao được bổ sung theo từng năm.
Theo bà Ánh, là ngành sản xuất đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có trình độ nên khi mới đi vào hoạt động, công ty phải trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng để tuyển dụng lao động. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhân sự của công ty được bổ sung thường xuyên nhưng doanh nghiệp không phải “vất vả” đi tìm người như trước đây.
“Người lao động có chất lượng đã có sẵn tại địa phương. Một số lao động khác cũng quyết định đến đây làm việc, sinh sống, từ đó bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh”, bà Ánh cho hay.
Ông Nguyễn Tuấn, đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng (TP. HCM) cho rằng, tỉnh Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn và tay nghề của người lao động còn có những hạn chế nhất định.
Ông Nguyễn Tuấn đóng góp ý kiến: “Để thu hút nguồn lao động có chất lượng về làm việc tại tỉnh, điều quan trọng nhất là địa phương phải có cơ sở đào tạo tốt, chất lượng ngang tầm với cơ sở đào tạo khác trong khu vực. Khi tỉnh đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng thì tự động các nhà đầu tư sẽ vào Đắk Nông. Chiều ngược lại, khi nhiều doanh nghiệp vào Đắk Nông đầu tư thì tự nhiên nguồn lao động chất lượng sẽ tìm về Đắk Nông để làm việc”.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bamboo Capital cho biết, vấn đề lao động cần được tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa để góp phần thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.