Các đại biểu dự buổi đối thoại. |
Ngày 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân năm 2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn chủ trì hội nghị và cùng với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh trực tiếp đối thoại với 350 cán bộ Hội Nông dân cơ sở, Chi hội tiêu biểu, hội viên nông dân là Giám đốc Hợp tác xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp và Tổ hội trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đại diện cho hơn 194 nghìn hội viên trong toàn tỉnh.
Các đại biểu dự buổi đối thoại. |
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất-kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường”, với tinh thần làm việc cởi mở, khẩn trương, nghiêm túc, thẳng thắn, tại hội nghị đối thoại đã có 16 ý kiến của hội viên nông dân trực tiếp trao đổi, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh và các các sở, ngành liên quan.
Nội dung trao đổi, kiến nghị xoay quanh các nhóm vấn đề như: Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xác định nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường; Xác định, quy hoạch các vùng nông sản có tính cạnh tranh cao của tỉnh so với các địa phương khác; Chính sách, nguồn lực để nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông sản đặc trưng của tỉnh; bảo đảm môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ sản xuất-kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận; quản lý việc sản xuất, lưu hành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận; Quản lý việc nhập khẩu nông sản bảo đảm chất lượng để bảo đảm việc phát triển nông sản của tỉnh và bảo đảm sức khỏe của nhân dân; Liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã…
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành chủ trì buổi đối thoại. |
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, tại buổi đối thoại, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành đã được nghe những ý kiến đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh. Đây là những ý kiến xuất phát từ những góc nhìn, đánh giá của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân rất sâu sắc và phù hợp với nhu cầu thực tế và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên, nông dân.
Các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân cơ bản đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh trực tiếp trao đổi thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm, nhưng do thời gian có hạn nên nhiều câu hỏi khác chưa được trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại này.
Các hội viên nông dân đặt câu hỏi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi đối thoại. |
Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đề nghị sau buổi đối thoại này, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp chuyển tất cả các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân cho các sở, ngành của tỉnh có liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời cho cán bộ, hội viên, nông dân, nếu cần thiết kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại buổi đối thoại. |
Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 16/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ và Chương trình số 36-CTr/TU ngày 22/3/2023 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các hội viên nông dân dự buổi đối thoại. |
Tại Hội nghị, Hội Nông dân tỉnh quyết định triển khai 5 dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và thành lập, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh tế tập thể, tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng với 65 hộ tham gia, trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân là 1,9 tỷ đồng; vốn giải quyết việc làm 500 triệu đồng; vốn đối ứng của các hộ nông dân tham gia dự án hơn 3,4 tỷ đồng.
Trao vốn sinh kế hỗ trợ hội viên nông dân nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo vùng biên giới với số tiền hơn 192,7 triệu đồng; trao tiền hỗ trợ cho 9 hộ hội viên nghèo vùng biên giới, dân tộc thiểu số, tôn giáo thuộc 3 huyện, bình quân mỗi hộ gần 22 triệu đồng, nhằm giúp cho hội viên nông dân có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo…