Qua trao đổi, ông Trần Đăng Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, sau khi nhận được phản ánh cùng với bài viết mà Báo Tri thức và Cuộc sống đã đăng tải vào ngày 7/5 với nội dung “Krông Nô – Đắk Nông: Băm nát quả đồi để khai thác đất trái phép tại xã Nam Xuân” phía UBND huyện đã có chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành phối hợp với UBND xã Nam Xuân kiểm tra xử lý.
Đại diện UBND huyện Krông Nô xác nhận mọi phản ánh của PV là đúng sự thật. Tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Nam Xuân vẫn đang tồn tại. Cũng theo ông Trần Đăng Ánh, tại vị trí mà PV phản ánh, việc khai thác được thực hiện lén lút từ lâu, quả đồi này bị khai thác nhiều năm, UBND xã cũng đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt.
“Công tác quản lý đâu đó chưa chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng này, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo xã để tăng cường quản lý tốt hơn công tác san lấp, đảm bảo đúng quy định.” – ông Ánh trao đổi thêm.
Điểm khai thác đất trái phép thứ nhất được chụp từ trên cao |
Cũng trong sáng 9/5, trao đổi với ông Nguyễn Chung Huy – Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, ông Huy cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo của UBND xã Nam Xuân về tình trạng khai thác trái phép đất đồi tại vị trí mà PV đã phản ánh. “Nội dung này huyện đã nắm và chỉ đạo nên sẽ có phản hồi cụ thể bằng văn bản” – ông Huy cho biết thêm.
Trước đó, vào ngày 6/5, PV đã trực tiếp ghi nhận hai điểm khai thác đất nằm sát bên tuyến đường tỉnh lộ 683 đi qua xã Nam Xuân, một quả đồi đang bị đào khoét nham nhở, băm nát phục vụ cho việc trục lợi tài nguyên khoáng sản.
Vị trí khai thác đất trái phép nằm sát tuyến đường DT 683 |
Tại hiện trường điểm khai thác thứ nhất, một máy múc cỡ lớn mang số hiệu 225LCV DOOSAN đang hì hục khoét sâu, đào đất đồi đổ lên những chiếc xe ben mang biển kiểm soát (BKS) 79C-093.88, 48C-059.19 mang đi tiêu thụ, lấp mặt bằng tại nhiều vị trí trên địa bàn xã.
Điểm khai thác thứ hai nằm sát điểm thứ nhất, một máy xúc màu vàng cỡ lớn mang hiệu KOMATSU đã tắt máy. Dường như nhận thấy được sự có mặt của PV, người lái máy múc đã bỏ lại máy và rời khỏi hiện trường.
Điểm khai thác đất trái phép thứ 2 được chụp từ trên cao |
Sau khi “ăn” đầy “đất lậu” thì đoàn xe này chạy với tốc độ cao trên tuyến đường tỉnh lộ 683 cùng nhiều tuyến đường nông thôn, điều đáng nói đoàn xe ben này phủ bạt qua loa, che chắn sơ sài, chạy làm bụi bay mù mịt, đất rơi vãi dọc đường khiến người dân vô cùng bức xúc.
Xe chạy nhanh khiến bụi mù mịt gây bức xúc cho người dân địa phương |
Trước tình trạng trên, PV đã phản ánh sự việc đến ông Vi Quốc Nhất – Chủ tịch UBND xã Nam Xuân thì nhận được câu trả lời “Chỗ đó làm gì có phép, để mình cho cán bộ xuống kiểm tra ngay”
Tuy nhiên, gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, cán bộ UBND xã Nam Xuân vẫn chưa xuống hiện trường để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý mặc dù vị trí khai thác đất cách UBND xã không xa, tầm 6 km.
Bên cạnh hành vi khai thác đất trái phép trên địa bàn, việc xe ben vận chuyển đất mang đi tiêu thụ đã làm hư hỏng, xuống cấp những tuyến đường nông thôn. Những hộ gia đình sinh sống gần quả đồi bị đào bới hàng ngày phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ hành vi khai thác đất trái phép này. Bụi bặm, xe chạy, máy đào đất hoạt động cả đêm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần, sức khỏe của người dân nơi đây. Thế nhưng, ngày qua tháng lại, người dân chỉ biết chấp nhận sống cùng tiếng ồn, bụi bặm chứ không biết phải làm sao.
Điểm khai thác nằm sát bên tuyến đường DT 683, mỗi lẫn xe ra vào điểm khai thác đều đem theo đất đá ra ngoài đường |
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và hành vi khai thác đất lậu nói riêng đang diễn ra trên địa bàn xã Nam Xuân không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên khoáng sản, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự mà còn cho thấy năng lực quản lý của địa phương này đang có vấn đề?
Một vị trí khai thác lộ thiên, nằm sát bên đường tỉnh lộ 683, việc khai thác đất trái phép diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm không khó để bắt gặp, ước tính hàng triệu m3 đất đã được vận chuyển mang đi phục vụ việc lấp mặt bằng tại nhiều vị trí khác nhau, thế nhưng không hiểu tại sao cho đến khi báo chí phản ánh thì chính quyền địa phương mới hay biết sự việc này?
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng trên, các cơ quan chức năng huyện Krông Nô cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên đất. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mang tính quyết liệt, kịp thời cùng với chế tài nghiêm khắc để răn đe các đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép, coi thường pháp luật đang tồn tại trên địa bàn.