Ngày 19/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký Hiệp ước về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Hiệp ước được ký tại Bình Nhưỡng sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin đến Triều Tiên.
Sau lễ ký, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức họp báo.
Ông Putin đánh giá hiệp ước trên là văn kiện đột phá, qua đó hai nước đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới.
Hiệp ước đặt ra những nhiệm vụ và định hướng lớn làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước trong dài hạn, trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và đầu tư, văn hóa cũng như an ninh.
Ông Putin cho biết hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước có triển vọng tốt, mặc dù kim ngạch song phương hiện còn khiêm tốn.
Cụ thể, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần, trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 54%.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga tiếp tục nỗ lực chính trị ngoại giao nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh với việc ký kết hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước đưa quan hệ đồng minh lên một tầm cao mới.
Theo ông, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ hòa bình, an ninh và xây dựng quốc gia vững mạnh vì lợi ích của hai nước.
Ông Kim Jong Un cũng nêu rõ hiệp ước là văn kiện mang tính xây dựng, phòng thủ và hòa bình, đáp ứng quan hệ chiến lược giữa hai nước trong thời đại mới khi vị thế hai nước trong cấu trúc địa chính trị thế giới đã thay đổi.
Trước đó, trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết văn kiện mới sẽ thay thế Hiệp ước về tình hữu nghị và tương trợ lẫn nhau ký năm 1961, Hiệp ước về tình hữu nghị và hợp tác láng giềng thân thiện ký năm 2000, Tuyên bố Moskva 2000 và Tuyên bố Bình Nhưỡng 2001.
Theo ông Ushakov, cần phải có hiệp ước mới trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới và trong khu vực chuyển biến sâu sắc, cũng như những thay đổi về chất trong quan hệ song phương giữa hai nước thời gian gần đây.
Ông Ushakov khẳng định hiệp ước mới tôn trọng tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không mang tính đối đầu và không nhằm chống lại nước thứ ba mà nhằm đảm bảo ổn định hơn trong khu vực Đông Bắc Á./.