Làng nghề thêu Đông Cứu

Nguyễn Hồng (th)| 29/01/2021 08:38

Làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) từ xa xưa đã nổi danh với nghề thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Nhiều sản phẩm thêu truyền thống đặc trưng của làng như: nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… xuất hiện khắp cả nước.

Lịch sử làng nghề

Làng thêu Đông Cứu có lịch sử từ rất lâu đời. Theo thần tích của làng và bản sắc phong của các triều vua Việt Nam, làng thêu hình thành dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1746). Làng thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Trước đây làng chuyên thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều và là nơi duy nhất ở miền Bắc chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay, đây là nơi duy nhất còn giữ được nghề thêu này.

Kỹ thuật thêu tay - thế mạnh của nghệ nhân

Những sản phẩm của làng nghề Đông Cứu là các trang phục từ thời xa xưa được phục dựng, thêu trên loại vải cao cấp với những đường chỉ tỉ mỉ, cẩn thận mô phỏng các con vật, sự vật, hoa lá… Những hình ảnh gắn liền với đất trời được người thợ thực hiện tạo nên một bức tranh sinh động đầy ý nghĩa. Mặc dù hiện nay công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu.

Công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản như: kim thêu, khung thêu các cỡ (kiểu tròn và kiểu chữ nhật), kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, chỉ thêu các màu và vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa)... Để có một sản phẩm chất lượng, điều quan trọng nằm ở việc đánh màu và kĩ thuật đan xen các canh chỉ. Bên cạnh những lối thêu khó, người thêu còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo khác. Các mũi chỉ khi thêu phải theo một hướng nhất định.

Bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ là điều mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân làng Đông Cứu.

Phục chế trang phục

Ngày nay, kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển, các sản phẩm thêu như long bào, áo quan không còn dùng nữa, nên làng nghề Đông Cứu đã chuyển dần sang phục chế các trang phục phục vụ cho việc bảo tồn, làm phim và sản xuất câu đối, tán, lọng, áo lễ…

Nghề thêu đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, tinh tế và tính thẩm mỹ cao. Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Việc phục chế trang phục đòi hỏi người thợ phải rất am hiểu về trang phục cổ trang hồi xưa của các vua chúa. Bên cạnh sự am hiểu về nghề, các thợ thêu cũng phải là người có tâm, yêu nghề có sự kiên trì, kiên nhẫn và tinh tế mới tạo ra được một sản phẩm đẹp, có ý nghĩa và có giá trị cao về lịch sử. 

Bảo tồn giá trị văn hóa

Các nghệ nhân nơi đây đã không ngừng phát triển, bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp để giữ gìn nghề truyền thống đặc sắc. Việc phát triển nghề thêu đã giúp người dân ổn định kinh tế, tạo công ăn việc làm, đồng thời giúp người dân bảo tồn và phát huy được thế mạnh của làng nghề. Qua đó khôi phục, bảo tồn những mẫu thêu cổ xưa, tạo hướng đi mới cho làng nghề thêu Đông Cứu.

Với các giá trị tiêu biểu, nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/lang-nghe-theu-dong-cuu-84425.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/lang-nghe-theu-dong-cuu-84425.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Làng nghề thêu Đông Cứu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO